Với quan điểm lề xưa thói cũ, miếng ăn không chỉ là miếng no mà còn đại diện cho bộ mặt của cả gia đình, thậm chí dòng tộc, đặc biệt là trong những dịp trọng đại như đám cưới. Ngày vui của gia đình, làm tiệc đãi khách thì phải mâm cao cỗ đầy để quan khách không chê trách và gia chủ được nở mặt nở mày.
Thời xưa, mâm cỗ cưới tươm tất thì phải đủ 4 bát, 6 đĩa để hợp thành số 10 tròn vẹn, mang ý nghĩa đầy đủ, viên mãn của hạnh phúc lứa đôi mới cưới, nhà nào nghèo thì cũng cố cho được 2 bát, 4 đĩa mà đãi khách với quan viên hai họ đến chung vui.
Đấy là tiêu chuẩn cỗ cưới theo tập tục xưa truyền lại, thời nay, thực đơn cho mâm cỗ cưới hiện đại cũng đã thay đổi đi nhiều. Người ta biến tấu các món ăn chính trên mâm đa dạng với nhiều loại sơn hào hải vị hoặc các món ăn theo ý gia chủ đặc biệt yêu cầu. Thôi thì đủ cả các món trên trời dưới bể từ con bay trên trời, con bơi dưới nước, con bước trên cạn, miễn là gia chủ "đủ lực chi" thì cái gì cũng có.
Ấy vậy mà có một món mà tuyệt nhiên không thể vắng, dù có là mâm cỗ "nhà nghèo" hay cao sang quyền quý, bắc rạp vỉa hè hay khách sạn 5 sao. Hãy cùng chúng tôi điểm qua một vài thực đơn, liệu rằng bạn có nhận ra đó là món nào không nhé.
Mâm cỗ phổ biến tại các nhà hàng tiệc cưới, với các món chính có tôm chiên, cá diêu hồng, gà hấp, bò sốt và các món đi kèm khác.
Tiếp theo là mâm cỗ với thực đơn cao cấp tại các trung tâm tiệc cưới lớn hay tại các khách sạn cao cấp, các món ăn đã được nâng cấp lên nhiều loại nguyên liệu đắt giá với: cá hồi Na Uy, gà ta hấp, tôm hùm Nha Trang, cua bể nguyên con, dẻ sườn bò, dê ủ.
Cuối cùng là thực đơn "siêu cấp" của nhà đại gia, chỉ có những gia đình lắm tiền nhiều của mới dám bỏ tiền đãi quan khách đến dự, điển hình như thực đơn trong đám cưới "khủng" tại lâu đài dát vàng ở Ninh Bình đình đám vừa qua. Ngó "sương sương" các món cũng đủ cho dân tình mắt chữ A, mồm chữ O vì độ hoành tráng và đắt đỏ: Gan ngỗng Pháp, Cua Hoàng đế Alaska, Cá hồi Na Uy, Gà ta hấp, Bít tết bò Mỹ, Chim sâm cầm.
Ba thực đơn là ba phong cách, đủ kiểu biến đổi với các loại thực phẩm đa dạng, phong phú. Giá mỗi mâm cỗ có khi lên tới hàng chục triệu đồng, ấy nhưng tuyệt nhiên có một món thịt xuất hiện đầy đủ trên bàn tiệc của tất cả, đó là món: Thịt gà hấp lá chanh.
Quả thực gà hấ láp chanh là món ăn "huyền thoại" cho mọi loại cỗ bàn kể từ thời ông bà tổ tiên người Việt xưa, tùy mâm cỗ cúng, cỗ Tết cho đến cỗ cưới. Hiện tại đời sống đầy đủ, thịt thà ê hề ăn hàng ngày chứ chẳng còn khan hiếm, trong mâm cỗ, địa thịt gà bày ra có thể có người ăn người bỏ, nhưng nếu vắng đi thì dường như mẫm cỗ cưới cũng thiếu hẳn "linh hồn".
Có câu nói "Cỗ bàn phải có thịt gà, đàn ông phải có đàn bà mới vui", nói vậy để thấy tầm quan trọng và độ "mặc định phải có" của món thịt gà trong thực đơn đã đi vào tiềm thức mỗi người Việt khi có dịp phải thiết tiệc làm cỗ hay đãi khách trong những dịp trọng đại của gia đình.
Để có được đĩa gà luộc ngon, thường gia chủ thường chọn gà ri loại từ 1,5 kg tới 2kg, thậm chí gà chọi lai để gà chắc miếng. Theo định lượng, mỗi mâm cỗ sẽ tương đương nửa con gà. Tuy nhiên gà bày cỗ không chỉ chặt miếng là xong mà phải bày đẹp, nửa con gà vẫn ra dáng nguyên đầu, cánh, đùi.
Theo đó, gà phải để thật nguội mới chặt, đồng thời xếp ngược phần da vàng ra một chiếc đĩa theo thứ tự đùi, cánh, lườn, cổ. Sau khi xếp xong thì úp ngược ra một đĩa khác để đĩa gà được đẹp. Gà hấp không thể thiếu được lá chanh thái chỉ rắc lên trên. Trong mâm cỗ cưới, dù rất nhiều món nhưng đĩa vàng vàng ruộm, căng bóng vẫn là tiêu điểm và là món ăn không thể thiếu.
Bình luận