Tuy bữa cơm Tất niên không phải là một nghi lễ song đó chính là phong tục mà ông bà ta đã gìn giữ suốt bao thế hệ. Mỗi năm, vào đúng ngày 30 Âm lịch, mọi gia đình đều chuẩn bị một mâm cỗ, trước là cúng tổ tiên, sau là để con cháu sum vầy thưởng thức. Các món ăn của bữa cơm Tất niên đa dạng theo văn hóa của từng vùng miền. Và hơn hết, mỗi một món ăn đều ẩn chứa những giá trị thuần túy khác nhau, thể hiện được tinh thần và bản sắc văn hóa của con người Việt Nam.
Bữa cơm Tất niên là dịp quan trọng nên các món ăn đều phải được chuẩn bị chỉn chu, tỉ mỉ, đòi hỏi người nấu phải có tay nghề chế biến công phu. Chỉ có như vậy, mới thể hiện đúng ý nghĩa tròn đầy, sung túc mà ông bà ta muốn gửi gắm. Dù mỗi miền đất nước có tập tục khác nhau nhưng bữa cơm ngày Tết vẫn có cùng những đặc trưng tương đồng. Các món ăn như: thịt, gà luộc, bánh chưng/bánh tét, canh măng/canh khổ qua, dưa kiệu, giò chả, nem chua... nhất định phải có mặt trong bữa cơm Tất niên. Mỗi món ăn ngày Tết đều mang một ý nghĩa riêng được người Việt nhiều đời gìn giữ.
Thịt đông
Đối với người miền Bắc, thịt đông đã trở thành món ăn truyền thống vô cùng thân quen trong những ngày đông lạnh giá. Thế nên, món ăn này luôn được đặt yên vị trong mâm cơm ngày Tết của người miền Bắc. Thịt đông được chế biến theo kiểu kết dính, biểu trưng cho tinh thần đoàn kết, đùm bọc lẫn nhau giữa người trong gia đình.
Thịt kho hột vịt
Còn đối với người miền Nam, món thịt được chế biến theo kiểu kho tàu, mang hương vị đậm đà đặc trưng. Nồi thịt kho lúc nào cũng đầy ấp thịt và trứng thể hiện được mong muốn sum vầy và đủ đầy cho năm mới.
Gà luộc
Để khởi đầu cho một năm mới đầy thuận lợi, trong mâm cơm ngày Tất niên không thể thiếu món gà luộc. Món ăn này đòi hỏi người chế biến phải khéo léo để giữ được màu vàng óng của da gà. Theo quan niệm của người châu Á, màu vàng là màu may mắn, bình an. Vậy nên, gà luộc biểu trưng cho cuộc sống ấm no, an khang. Đồng thời, gà còn có ý nghĩa trong việc đánh thức mặt trời ở thời khắc chuyển giao năm cũ và năm mới, biểu hiện cho sự tươi mới, sức khỏe căng tràn.
Canh măng
Trong một bữa cơm truyền thống luôn có những món canh để cân bằng lại khẩu vị. Cái khéo khi làm món canh măng đó là phải ninh làm sao cho nước dùng đủ ngọt, giò đủ mềm mà không làm mất đi vẻ thẩm mỹ của món canh. Canh măng nấu giò mang ý nghĩa của sự tốt lành, trọn vẹn.
Còn đối với canh khổ qua, ngoài việc là một món ăn giúp giải nhiệt, thanh lọc cơ thể, canh khổ qua trên mâm cơm Tất niên còn cho thấy niềm tin về mọi khó khăn trong năm cũ sẽ qua đi để năm mới được thuận lợi, may mắn.
Giò chả
Tuy có tạo hình đơn giản và dân dã nhưng món giò chả lại biểu tượng cho sự cao quý, sang trọng. Món ăn này được xem là tinh hoa của nền ẩm thực Việt, thiếu giò chả cũng như thiếu đi hương vị ngày Tết. Giò chả mang ý nghĩa "trong ấm ngoài êm", cầu mong cho phúc lộc đầy nhà. Món ăn này thường được dùng kèm với hành hoặc kiệu để tăng thêm hương vị thơm ngon.
Bánh chưng bánh tét
Ở miền Bắc, bánh chưng thường phổ biến hơn trong Nam. Trên một mâm cỗ, món bánh này luôn được đặt ở vị trí trung tâm. Bánh chưng được tạo hình vuông vức thể hiện sự biết ơn đối với công lao của đất đai đã cho một năm sản xuất bội thu. Đồng thời, bánh chưng còn cho thấy được tinh thần hiếu thuận với mẹ cha, cũng như trong truyền thuyết, món bánh này được dâng lên biếu đãi vua cha.
Trong khi đó, bánh Tét lại là món ăn quen thuộc của người miền Nam. Lớp vỏ được bao bọc bên ngoài ôm trọn phần bánh bên trong biểu trưng hình ảnh mẹ ôm lấy con, thể hiện mong muốn sum vầy. Bên cạnh đó, bánh tét gosi bằng lá chuối xanh bên trong nếp vàng cho thấy ước mong "an cư lạc nghiệp", cầu chúc bình an đến mọi nhà.
Bữa cơm Tất niên tuy giản đơn nhưng dung chứa biết bao ý nghĩa văn hóa của một nền dân tộc. Trong suốt cả một năm, dù bận rộn bôn ba từ gần đến xa. Nhưng người dân Việt vẫn giữ vẹn nguyên truyền thống sum vầy vào ngày 30, quây quần bên mâm cơm cùng thưởng thức những món ăn thơm ngon và ý nghĩa.
Bình luận