Đối mặt với những đau đớn và sợ hãi trong thời gian "vượt cạn", nhiều phụ nữ mong muốn chồng có thể đồng hành ở bên trong phòng sinh nở.
Nhiều bệnh viện hiện đại cũng thường khuyến khích các ông bố vào phòng sinh với vợ, để có thể hiểu được nỗi vất vả, đau đớn của người bạn đời, đồng thời động viên tâm lý cho vợ để chuyến sinh nở được tốt đẹp. Bên cạnh đó, vào phòng sinh với vợ giúp người đàn ông có thể chứng kiến khoảnh khắc thiêng liêng khi đứa con chào đời.
Viện nhân chủng học Max Planck của Đức đã nghiên cứu và kết luận, trong lịch sử, không có chủng tộc nào có truyền thống đàn ông vào phòng sinh cùng với phụ nữ. Nhưng ở các nước châu Âu khoảng 20 năm trở lại đây, hành đồng này được cổ vũ và dần lan rộng ra thế giới, trong đó có cả các quốc gia châu Á vốn nhiều quan niệm kiêng kị khắt khe.
Ở Đức, Pháp, Anh, các nước Bắc Âu, Mỹ và Canada, gần 90% ông bố đồng hành cùng vợ vượt qua nỗi đau khi sinh nở.
Tại Việt Nam, một số bệnh viện tư nhân cao cấp cũng cho phép chồng được vào phòng sinh cùng vợ.
Nhưng đôi khi điều này có thể khiến tinh thần, thể chất của nhiều ông bố bị ảnh hưởng. Tại Nhật Bản kết quả khảo sát, cho thấy 50% phái nam trải qua các mức độ căng thẳng tâm lý khác nhau sau khi chứng kiến quá trình sinh nở của vợ, thậm chí có trường hợp bị rối loạn cương dương.
Một chuyên gia sản khoa người Anh cho rằng, việc chồng vào phòng sinh với vợ đôi khi là "một trào lưu" chứ không mang giá trị thiết thực. Chuyên gia giải thích, khi phụ nữ phải tập trung toàn lực để sinh con thì sự lo lắng, sợ hãi của người đàn ông bên cạnh có thể khiến họ phân tâm, thậm chí là tổn thương.
Bên cạnh đó, những hình ảnh trần trụi trong lúc sinh nở có thể phá hủy đời sống tình dục giữa hai vợ chồng. Chưa kể, nhiều ông chồng không có kiến thức về sinh nở, trưởng thành trong một gia đình nhiều định kiến, hủ tục với phụ nữ, có thể cảm thấy bực dọc khi vợ la hét vì đau đớn. Do đó, không ít trường hợp vợ đang đau đẻ mà hai vợ chồng vẫn trách móc, cãi cọ nhau.
Bình luận