Mới đây, trong một hội nhóm dành cho giáo viên tiểu học đang chia sẻ rầm rộ một bài văn tả mẹ "có gì nói đó" rất chân thật của một học sinh cấp 1. Với hàng loạt câu từ miêu tả mẹ theo cách "siêu lầy", tác giả bài văn khiến cư dân mạng cười ra nước mắt.
Nguyên văn bài văn miêu tả mẹ đặc biệt nói trên:
"Mẹ em sinh năm 1989. Mẹ em lùn, tóc hơi nâu, nước da trắng hồng. Mặt mẹ tròn và đầy đủ mắt, mũi, miệng, lông mi, lông mày, tai. Mắt mẹ rất sáng, sáng nhất khi nhặt được tiền. Bình thường ngửi hoa thì mẹ chẳng ngửi được gì nhưng ngửi thức ăn thì rất thính. Tai mẹ có mấy cái lỗ vì mới tháo khuyên tai. Bụng mẹ có vết khâu vì đợt trước đẻ mổ. Thân mẹ to vì mỡ rất lắm. Mẹ hay cho em bé bú. Mỗi khi cho bú, mẹ cho bú ti bên trái chứ không cho bú bên phải. Mỗi khi xem điện thoại, mẹ xem cái gì bổ ích không xem, toàn thấy xem "lai chim" bán quần áo".
Khi đọc hết bài viết này hẳn nhiều bà mẹ sẽ giật mình ngỡ ngàng vì không ngờ rằng chi tiết nào cũng được con chú ý như vậy. Nhiều người cũng ngạc nhiên với những "phi vụ" như "sáng mắt khi nhặt được tiền", ngửi hoa không được mà ngửi thức ăn" rất thính, xem "lai chim" bán quần áo"... dù muốn dù không thì cũng phải công nhận bài mô tả nói những điều quá thực tế.
Ngay khi được chia sẻ, rất nhiều người tỏ ra thích thú và nhận được cơn mưa lời khen từ cư dân mạng: "Đúng quá còn gì các cô. Bạn ý tả siêu thực còn gì", "Kĩ năng quan sát tốt", "Cho em 10 điểm về tính trung thực".
Trên thực tế, viết văn là một trong những kỹ năng cơ bản của học sinh, ngay từ cấp 1 ai cũng được học và mãi cho đến lớn. Tuy nhiên, thay vì để trẻ được thỏa sức viết theo đúng cảm xúc chân thực của mình thì nhiều bậc phụ huynh và giáo viên lại buộc trẻ theo một khuôn khổ nhất định để đạt điểm cao. Chính vì điều này, trẻ sẽ bị kìm hãm sự tự tin, tính sáng tạo và vô tình tiếp tay cho việc khuyến khích trẻ nói dối.
Vì vậy, thay vì dạy chữ và hướng trẻ đến thành tích, nhiều phụ huynh và giáo viên đã hướng trẻ đến những giá trị ý nghĩa của cuộc sống, dạy trẻ cách viết văn chân thật với cảm xúc của mình.
Bình luận