Tại tỉnh Quảng Bình nhiều ngày qua có rất nhiều đoàn xe cứu trợ tập kết tại cửa ngõ huyện Lệ Thủy, địa phương bị thiệt hại nhất trong đợt lũ vừa qua. Nhưng nhu yếu phẩm chưa thể sớm đến tay người dân các xã xa trung tâm do thiếu phương tiện vận chuyển.
Ông Phạm Văn Hiệu, Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc xã An Thủy cho biết, suốt 4 ngày qua ông chỉ mới tiếp đúng 2 đoàn hỗ trợ vào xã.
Trong khi đó có tới 6-7 đoàn khác cũng liên hệ nhưng không thể đến do tàu chở hàng cứu trợ quá lớn, nhìn cảnh hơn 3.000 hộ dân với gần 11.300 nhân khẩu đang thiếu cả đồ ăn lẫn nước uống, ông chỉ biết thở dài vì lực bất tòng tâm.
Ông cho hay, trong xã có ban cứu nạn gồm 41 người nhưng hiện tại hầu hết đều mắc kẹt ở nhà do lũ ngập, không thể đến xã làm nhiệm vụ. Cả ban còn 15-17 người thay phiên nhau cứu hộ cho cả nghìn hộ dân bằng một chiếc thuyền bé, dù người dân kêu cứu liên tục, nhưng chạy không xuể.
Ông Hiệu tâm sự, trường hợp thương tâm nhất là những sản phụ mới sinh con 11-12 ngày thì lũ dâng đến nóc nhà đành phải gửi con sang nhà hàng xóm, họ buộc đứa bé vào tấm ván nổi rồi đẩy dưới trời mưa.
Nhiều sản phụ đến mì tôm cũng không có để ăn nên con không có sữa bú. Cả xóm nhỏ tĩnh lặng chỉ có tiếng sóng vỗ và tiếng con nít khóc đòi ăn.
Nói về các đoàn cứu trợ ông cho hay: “Đoàn cứu trợ thì nhiều nhưng họ đi tàu thuyền to, hỗ trợ cho những người ngoài đường. Thành ra họ không biết những người ở vùng sâu, vùng xa như xã An Thủy này”.
Điều khiến vị cán bộ này trăn trở nhất hiện thời đó là cơn bão sắp đổ bộ vào miền Trung, vì 4 ngày nay, người dân nơi đây không chỉ bị cô lập về mặt địa giới mà cả về mặt thông tin, do đó bà con hầu như không ai biết miền Trung lại sắp đón bão.
Ông Hiệu nói: “Cơn bão dự kiến vào ngày 24/10 mà bà con 100 người, chỉ có 1-2 người biết. Mong sao cơn bão vô đất liền là tan. Dân miền Trung đã khổ lắm rồi”.
Nói về cứu trợ ở thời điểm hiện tại, Đại tá Lê Văn Vĩ, Chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh Quảng Bình, cho biết đơn vị đã huy động 8 xuồng đến huyện Lệ Thủy và 6 xuồng xuống huyện Quảng Ninh, trong đó có 2 xuồng máy do tỉnh Quảng Trị chi viện. Và các xuồng này được dùng để chuyển lương thực, thực phẩm, nhu yếu phẩm cho bà con.
Vị Đại tá này chia sẻ, khi đến đây thấy bà con màn trời chiếu đất, rất thương tâm. Việc vận chuyển tuy khó khăn, gian khổ khi sóng nước lên nhưng đơn vị sẽ cố gắng tiếp cận và hỗ trợ lương thực để bà con không bị thiếu đói.
Nói thêm về việc cứu trợ bà con, ông cho hay, ngoài thuyền có công suất lớn để vận chuyển tại nơi sóng to gió lớn phải bố trí thuyền nhỏ hơn đi cùng.
Và trường hợp không tiếp cận được nhà dân, lực lượng chức năng sẽ chuyển lương thực, thực phẩm sang thuyền nhỏ để tiếp cận với người dân khi đó hai thuyền phải thường xuyên đi với nhau để khi có sự cố thì hỗ trợ chi viện và cơ động giải cứu.
Ông cũng cho hay, hiện tại việc phân bổ lực lượng và phương tiện gặp khó khăn do lũ diễn ra trên toàn địa bàn, thay vì một khu vực như trước đây. Do đó ông hy vọng thời gian tới sẽ có sự chi viện về phương tiện để tham gia phòng chống thiên tai.
Bình luận