3 phiên bản "anh em" của bánh trôi tàu hấp dẫn của miền Bắc

Qiu Chen Đăng lúc: Thứ bảy, 20/11/2021 14:53 (GMT +7)
Đều được làm từ những nguyên liệu như gừng, nước đường… thế nhưng bánh trôi tàu và những “người anh em” của mình đều có nét hấp dẫn riêng biệt.
Hashtag #Ẩm thực việt nam #Văn hóa ẩm thực #Ẩm thực Hải Phòng #Các món bánh Việt Nam #LIFESTYLE #Ăn sung uống sướng

Mỗi khi thời tiết Hà Nội bắt đầu se lạnh, những món ngọt và ấm nóng như bánh trôi tàu lại được dịp “lên ngôi”. Những viên bánh trôi tàu mềm thơm, dẻo dẻo được kết hợp cùng nước đường ngọt lịm và chút dừa nạo, đậu phộng rang bùi béo luôn là sự lựa chọn lý tưởng cho những bữa ăn vặt chiều đông.

Ngoài món bánh trôi tàu thường được bày bán tại Hà Nội thì bạn còn có thể khám phá thêm vài “người anh em” của nó như sủi dìn của Hải Phòng, coóng phù của Lạng Sơn hay thắng dền của Hà Giang.

Sủi dìn, Hải Phòng

Là một trong những món ăn vặt mùa đông được nhiều người Hải Phòng yêu thích, sủi dìn có nguồn gốc từ cộng đồng Hoa đến sinh sống ở thành phố cảng. Bằng sự kết hợp giữa những nguyên liệu đơn giản như bột nếp, mè đen rang chín, dừa nạo, gừng tươi, đường phèn và đậu phộng rang… món sủi dìn đã trở thành một trong những món ăn được nhiều người yêu thích nhất mỗi dịp đông đến ở Hải Phòng. 

Ảnh: @eatwden.
Ảnh: @eatwden.

Những viên sủi dìn tròn, nhỏ sau khi được chan ngập nước mật mía thơm mùi gừng thì sẽ được thêm vào đậu phộng rang và dừa tươi nạo. Sủi dìn thường có phần nhân bên trong làm từ mè đen, khi cắn sẽ thấy vị bùi béo hấp dẫn. Ngoài màu trắng đặc trưng thì người làm sủi dìn hiện nay cũng sử dụng nhiều màu tự nhiên từ hoa đậu biếc, lá dứa, gấc, nước ép hoa quả… để bát sủi dìn có màu sắc đa dạng hơn.

Ảnh: @gdbaby1881988.
Ảnh: @gdbaby1881988.

Cóong phù – Lạng Sơn

Mặc dù có cái tên khá lạ tai, thế nhưng cóong phù có cách nấu và hình dáng không khác bánh trôi là mấy. Loại bánh này có nguồn gốc từ người dân tộc Tày tại Lạng Sơn. Sau khi xay gạo nếp thành bột nước, người làm bánh sẽ đem nhào bột cho dẻo rồi chia thành những viên nhỏ. Phần nhân bên trong cóong phù cũng được chuẩn bị khá kỳ công, đậu xanh sau khi đồ chín thì sẽ được  đem giã nhuyễn rồi trộn cùng đường kính. 

Ảnh: @minawithyou_.
Ảnh: @minawithyou_.

Nặn bánh là một trong những công đoạn khó nhất khi làm cóong phù. Nếu như bánh trôi nước được nặn thành những viên tròn, đều thì mỗi viên cóong phù sau khi thêm nhân vào sẽ được ấn dẹt phần đầu và thêm vào chút vừng trang trí. Bên cạnh màu trắng thường thấy, người ta thường trộn bột nếp với gấc để tạo ra những viên cóong phù màu đỏ cam bắt mắt.

Ảnh: @hiendt820.
Ảnh: @hiendt820.

Thắng dền – Hà Giang

Thưởng thức một bát thắng dền nghi ngút khói, vừa hít hà cái lạnh của Hà Giang vừa thưởng thức vị mềm dẻo, ngọt thơm của món ăn là một trong những trải nghiệm được nhiều người chọn để xua tan cái lạnh mỗi khi đến Hà Giang. 

Ảnh: @jasminecancook.
Ảnh: @jasminecancook.

Để làm được món bánh thắng dền ngon, người làm bánh thường phải chọn loại gạo nếp ngon, hạt to, tròn và đều tăm tắp. Những hạt gạo “đạt chuẩn” được đem đi ngâm rồi để ráo và xay thành bột. Khi đã có phần bột nếp, người ta tiếp tục để chúng vào các túi vải cho đến khi đặc mịn lại thì đem ra nặn thành những viên bánh tròn, kích cỡ vừa ăn. Tuỳ vào khẩu vị của người ăn mà họ sẽ làm thành những viên thắng dền chay không nhân hoặc nhân đỗ.

Ảnh: @vyanuong.
Ảnh: @vyanuong.

Tuy cách làm khá đơn giản, thế nhưng một bát thắng dền có ngon hay không sẽ phụ thuộc vào phần nước ăn kèm. Nước để chan vào thắng dền thường được nấu từ đường hoa mai, sau đó thêm vào một chút gừng để có vị cay ấm và thơm. 

 

Thắng dền, món bánh dung dị vùng cao nức lòng thực khách Coóng phù, phiên bản "bánh trôi tàu" nhỏ mà có võ ở Lạng Sơn Bánh trôi tàu: Thức quà ngọt lịm, nóng hổi tuyệt vời cho ngày đông lạnh
Copy URL

Bình luận

Chủ đề mới trên 2Đẹp