Trước khi màu hồng fuchsia lên ngôi vào những năm 2000 và hồng millennial gây sốt vào năm 2017, sắc hồng rực (shocking pink) từng là niềm yêu thích của những tín đồ thời trang Paris cuối thập niên 30, 40. Người có công tạo nên dấu ấn vẻ vang với màu hồng trong lịch sử thời trang đương đại chính là chính là Elsa Schiaparelli - nhà thiết kế thời trang, couturier người Ý.
Nếu như nhắc tới New Look là người ta nghĩ ngay tới Christian Dior, thì khi nói tới màu hồng, giới thời trang sẽ lập tức nghĩ đến cái tên Elsa Schiaparelli. Nhờ sự nổi bật và hút mắt, sắc hồng là đặc trưng cho phong cách táo bạo theo trường phái Siêu Thực của bà.
Sắc hồng dịu từng xuất hiện trong các sản phẩm hội hoạ và trang phục của quý tộc Pháp. Trong nghệ thuật, màu hồng tượng trưng cho sự lãng mạn và tuổi trẻ, được thể hiện ở các tác phẩm hội họa thời Rococo, ví dụ như bức “The Swing” năm 1767 của Jean-Honoré Fragonard.
Tới thế kỷ 19, màu hồng vẫn mang sự tươi trẻ và lãng mạn ấy. Đầu những năm 1800, người ta nhìn nhận màu hồng có phần nam tính hơn, vì lúc bấy giờ, trẻ sơ sinh thường mặc đồ trắng và đỏ, chủ yếu được dùng cho quân đội, nên màu hồng được coi là nam tính và phù hợp với các cậu bé. Còn các bé gái thì mặc đồ màu xanh dương để thể hiện sự tươi sáng và tinh tế. Tuy nhiên, quan điểm này đã bị đảo lộn vào cuối Thế Chiến II. Màu hồng pastel dịu nhẹ và hồng đào được nhiều nghệ sĩ và các nhà thiết kế sử dụng với mục đích làm nổi bật vẻ đẹp ngọt ngào và nữ tính của phái nữ.
Là một người có tầm nhìn xa, Elsa Schiaparelli không đi theo số đông, không sử dụng màu sắc phổ biến mà mọi người thường lựa chọn. Bà vừa chấp nhận dãy quang phổ màu sắc thông thường, nhưng cũng lại vừa thoát ly khỏi nó để chọn lấy một màu sắc rực rỡ và thu hút - hồng rực (shocking pink).
Năm 1937, Schiaparelli đã biến sắc hồng rực trở thành đặc trưng riêng cho phong cách của mình. Các thiết kế mang sắc hồng rực của bà trở nên vô cùng nổi bật giữa những trang phục mang màu sắc có phần u ám được ưa chuộng trong Thế Chiến II. Những sáng tạo của Elsa Schiaparelli đã thách thức các định kiến về sắc màu, khiến bà trở nên khác biệt so với các nhà thiết kế lúc bấy giờ.
Sự nổi tiếng của Schiaparelli ở Paris ngày càng lớn, giúp bà được lựa chọn làm nhà thiết kế phục trang cho bộ phim “Moulin Rouge” (Cối xay gió đỏ) vào năm 1952. Đặc biệt, hình ảnh nhân vật Jane Avril do minh tinh Zsa Zsa Gabor thủ vai trong bộ váy màu hồng đã để lại ấn tượng đậm sâu cho công chúng.
Nhờ những bước đi tiên phong trong việc sử dụng sắc hồng rực vào trang phục, Elsa Schiaparelli đã đưa tên tuổi của mình vào danh sách những nhà thiết kế ấn tượng nhất trong lịch sử thời trang.
Bình luận