Là một ứng dụng mạng xã hội đình đám được săn đón nhất nhì hiện nay, ít ai biết rằng Facebook từng suýt bị Apple cho gỡ khỏi App Store trên điện thoại vì liên quan đến lùm xùm trao đổi thông tin giữa những kẻ buôn người trên nền tảng này.
Cụ thể, vào năm 2019, truyền thông BBC đã điều tra về hoạt động của một nhóm buôn người ở Trung Đông và công bố chi tiết diễn biến cho thấy những kẻ buôn người này đã sử dụng mạng xã hội của Mark Zuckerberg, cụ thể là Facebook để quảng cáo tuyển dụng người giúp việc gia đình, nhưng thực chất các nạn nhân sau đó sẽ bị mua bán hoặc trao đổi trái phép.
Không chỉ Facebook, nhóm buôn người còn lấn sang Instagram, âm thầm chạy quảng cáo dịch vụ cho thuê người giúp việc kèm theo ảnh và thông tin của nạn nhân trên các nền tảng này. Điều đáng nói, trong một bản ghi nhớ nội bộ do BBC tiết lộ, Facebook thực chất đã biết vấn đề này từ trước và được nhóm kiểm duyệt nội dung phụ trách tại Trung Đông theo dõi hoạt động của những kẻ buôn người này trên mạng xã hội trong một năm trời.
Tuy nhiên, dù đã xác định các dịch vụ này "không rõ ràng" và đã gỡ xuống một số trang vi phạm điều khoản, nhưng phía Facebook sau đó lại không tìm cách đưa ra cách giải quyết triệt để nhằm ngăn chặn nạn buôn người. Điều này đã khiến Apple tức giận và đe dọa loại Facebook khỏi cửa hàng ứng dụng của mình nếu như đơn vị này không có biện pháp giải quyết vấn đề.
Gần đây, cơ chế kiểm duyệt nội dung bằng AI (trí tuệ nhân tạo) của Facebook bị lên án vì không đủ thông minh để phát hiện tất cả những ngôn ngữ xuất hiện trên nền tảng này. Trong khi đó, việc sử dụng con người để kiểm soát nội dung độc hại ở những khu vực không thông thạo tiếng Anh cũng đang là rào cản, vô hình chung tạo thành một "điểm mù" để tội phạm lợi dụng khai thác.
Năm 2020, đội ngũ kiểm duyệt và nhà thầu bên thứ ba của Facebook đã dành hơn 3,2 triệu giờ để thanh lọc nền tảng, gỡ bỏ những nội dung gây hiểu lầm, sai lệch. Tuy nhiên, chỉ 13% số giờ đó họ tập trung để kiểm tra những bài viết vi phạm nội quy ở thị trường nước ngoài. Cũng trong 13% này, đội ngũ Facebook chỉ chủ yếu tập trung vào vấn đề "an toàn thương hiệu", như đảm bảo quảng cáo không xuất hiện cùng với nội dung mà nhà quảng cáo có thể cảm thấy bị cạnh tranh.
Trước cơ chế kiểm duyệt kém từ Facebook, Apple đã xếp ứng dụng Facebook vào danh sách nền tảng có mối hiểm họa với hoạt động kinh doanh. Tuy nhiên, dù đã cân nhắc xóa ứng dụng này ra khỏi App Store nhưng cuối cùng tập đoàn công nghệ này đã không làm điều đó, theo BBC cho biết.
Báo cáo cũng cho biết, sau lời cảnh cáo dữ dội từ Apple, phía Facebook sau đó đã tiến hành một đợt quét máy chủ để tìm nội dung vi phạm. Nhóm nghiên cứu đã phát hiện hơn 300.000 trường hợp vi phạm tiềm ẩn và vô hiệu hóa hơn 1.000 tài khoản. Nhóm đồng thời cũng trì hoãn một số dự án để loại bỏ triệt để các nội dung về nạn buôn người và đưa ra chính sách hoạt động hiệu quả hơn. Đến cuối năm 2020, sau 3 tháng điều tra, Facebook cuối cùng cũng cho ngừng hoạt động hàng chục mạng lưới bị nghi ngờ về buôn người.
Những thông tin trên đều được BBC đưa tin và phân tích, phía Apple và Facebook hiện vẫn chưa có bình luận chính thức nào về sự việc này.
Bình luận