Giáo sư Anne Wyllie từ Đại học Yale của Mỹ cho biết, thực tế có rất nhiều người đã xét nghiệm dịch mũi liên tục âm tính nhưng khi xét nghiệm nước bọt lại cho kết quả dương tính. Cụ thể, nghiên cứu của Anne Wyllie và cộng sự mới được công bố cho thấy, bộ xét nghiệm COVID-19 bằng nước bọt có thể hiệu quả hơn trong việc phát hiện Omicron.
Tương tự, các nhà khoa học từ Đại học Cape Town (Nam Phi) cách đây không lâu cũng đã tiến hành nghiên cứu, kết quả cho thấy rằng xét nghiệm PCR từ mẫu nước bọt cho kết quả chính xác hơn đối với biến thể Omicron so với mẫu gạc mũi.
>>> Xem thêm: BS Trương Hữu Khanh giải đáp: Test Covid-19 cho trẻ lấy dịch mũi hay nước bọt để có kết quả chuẩn
Giáo sư Anne Wyllie cũng cho biết thêm, khi nhiễm biến thể Omicron, đau họng là triệu chứng ban đầu phổ biến và rất ít người bệnh gặp triệu chứng mất khứu giác. Chính sự khác biệt này đã khiến nhóm nghiên cứu nghĩ rằng, lây nhiễm Omicron xảy ra ở phần thấp hơn của hệ hô hấp so với các biến thể trước.
Dù vậy, giáo sư Wyllie chia sẻ rằng, hiện thời ông cũng như các đồng sự không khuyến nghị xét nghiệm bằng nước bọt thay cho lấy dịch mũi. Bởi hiện tại, phương pháp xét nghiệm nhanh bằng dịch mũi vẫn phổ biến hơn.
Tại Mỹ, đại đa số các xét nghiệm bằng nước bọt hiện vẫn là dựa trên xét nghiệm PCR và rất đơn giản. Chính vì vậy, giáo sư Wyllie cho rằng các nước nên mềm dẻo trong cách phản ứng với virus. Tuy nhiên, ông cũng lưu ý rằng khoang miệng là môi trường khác với mũi, hơn nữa việc ăn uống trước khi xét nghiệm sẽ ảnh hưởng tới kết quả. Bởi qua nghiên cứu cho thấy, phải chờ ít nhất một giờ sau khi ăn hoặc uống, có thể 10 phút sau khi uống một cốc nước lọc mới nên lấy nước bọt để cho kết quả xét nghiệm chính xác.
Giáo sư Wyllie cũng khuyến cáo rằng, khi đã biết Omicron có thể sinh sôi ở miệng mạnh hơn và sớm hơn sinh sôi trong mũi, các nhà khoa học cũng như các nước cần thay đổi cách thức xét nghiệm. Do đó, nếu tại Mỹ Omicron tiếp tục là biến thể chủ đạo nhất thì cần cân nhắc lại nhiều chương trình xét nghiệm để có thể ứng phó tốt nhất cho sức khỏe cộng đồng.
Theo Health24, nhờ phát hiện này, các nhà nghiên cứu nhận ra rằng, với Omicron, mô hình phát tán của virus trong quá trình lây nhiễm đã thay đổi, cụ thể tỷ lệ virus phát tán trong nước bọt cao hơn so với trong mũi họng - đã làm tăng hiệu quả chẩn đoán của mẫu nước bọt. Các nhà nghiên cứu nói thêm, phát hiện này vô cùng quan trọng vì có thể với biến thể Omicron, xét nghiệm sử dụng gạc mũi có thể không tối ưu.
Theo đó, khi tiến hành lấy nước bọt, người được lấy mẫu phải khạc ra từ 3 đến 5 cái trước khi lấy mẫu và phết mẫu ở cả hai bên má, trên và dưới lưỡi, trên lợi, và vòm miệng cứng trong ít nhất 30 giây. Đồng thời người được lấy mẫu không được ăn, uống, hút thuốc hoặc nhai bất cứ thứ gì trong 30 phút trước khi lấy mẫu mới cho kết quả chính xác cao.
Bình luận