4 viện nghiên cứu này gồm: Viện Nghiên cứu Khoa học Đời sống Sơn Đông Yinfeng (Trung Quốc), Viện KrioRus (Nga), Trung tâm kéo dài sự sống Alcor và Viện Cryonics ở Michigan (Mỹ). Cả 4 viện này đang bảo quản hằng trăm người chết trong trạng thái đông lạnh chờ tiến bộ của y học để hồi sinh.
Cụ thể, Viện Nghiên cứu Khoa học Đời sống Sơn Đông Yinfeng, Trung Quốc đang lưu trữ thi thể của 10 “khách hàng” và đã có ít nhất 60 người khác đặt cọc để được bảo quản xác sau khi mất. Trong khi đó, Alcor đang lưu trữ tới 181 thi thể và Viện Cryonics lưu trữ 173 thi thể.
Hầu hết thi thể được lưu trữ đều là trẻ em.
Tuy nhiên trong khi 3 viện tại Mỹ và Nga chỉ đơn thuần như nhà tang lễ đông lạnh thông thường thì Viện Yinfeng muốn tạo ra một cuộc cách mạng trong kĩ thuật cấy ghép nội tạng cũng như các phương pháp điều trị khác.
Viện này cũng phối hợp với các bệnh viện và trường đại học lớn tại Trung Quốc để nghiên cứu sâu hơn về đông xác cũng như tác động của nhiệt độ thấp với cơ thể sống. Yinfeng mong muốn trung tâm này không chỉ trữ lạnh thi thể đơn thuần mà phải mang lại lợi ích to lớn cho y khoa.
“Vì vậy chúng tôi phối hợp liên tục với bác sĩ phẫu thuật, gây mê, tim mạch. Đây là một dự án nghiên cứu rất lớn”, ông Drake, Giám đốc phản ứng lâm sàng của Yinfeng chia sẻ.
Đơn cử, một trái tim sau khi lấy khỏi cơ thể người hiến, chỉ có thể bảo quản tối đa 6 giờ. Đây là một thách thức rất lớn, nhất là khi khoảng cách địa lý giữa người cho và người nhận ở quá xa, đặc biệt với một đất nước rộng lớn như Trung Quốc.
“Thử nghĩ xem nếu bạn có thể kéo dài thời gian bảo quản tim từ 6 tiếng thành 6 ngày thì mọi thứ sẽ dễ dàng thế nào. Trong thời gian này, quả tim được bảo quản ở nhiệt độ siêu lạnh và tiếp tục được tưới máu liên tục. Trung Quốc là nước đầu tiên thực hiện và Yinfeng đang dẫn đầu trong lĩnh vực này. Họ có thể đi trước những nước khác vì áp dụng cách tiếp cận mới”, ông Drake khẳng định.
Cũng theo ông Drake, mỗi loại tạng sẽ cần có những kỹ thuật khác nhau để bảo quản. Một khi có các giải pháp bảo quản tất cả các tạng trong cơ thể, khi đó triển vọng hồi sinh toàn bộ cơ thể sẽ rất cao. “Nó giống như cách bạn giải một bài toán phức tạp bằng cách chia nhỏ thành nhiều phần. Sau đó bạn ghép chúng lại với nhau để tìm ra đáp án”, ông nói.
Giám đốc phản ứng lâm sàng của Yinfeng nhận định, ý tưởng hồi sinh người chết vẫn còn xa nhưng hoàn toàn có triển vọng.
Bình luận