HLV Ruby Phan-Laymon: "Pilates đang bị truyền thông định hướng là môn luyện tập nhà giàu"

Tía Tô Đăng lúc: Thứ hai, 19/09/2022 19:21 (GMT +7)
Các trung tâm pilates đang cố gắng chứng minh tầm quan trọng của máy móc với việc tập luyện, nhưng HLV Ruby Phan-Laymon mang đến một quan điểm hoàn toàn khác.
Hashtag #Bí quyết giữ gìn sắc đẹp #BEAUTORY #Độ dáng

Ruby Phan-Laymon - cô giáo pilates gốc Hà Nội hiện đang sống ở Mỹ, đã tranh thủ những ngày ngắn ngủi về Việt Nam làm đám cưới để tổ chức một lớp offline nho nhỏ, sau thời gian dài đứng lớp online. Trước đó, trong một status trên trang facebook cá nhân, khi Ruby kể về việc cô từng òa khóc vì chồng Mỹ khen cô nấu ăn ngon nhưng hao tốn quá nhiều nồi niêu xoong chảo, những học viên của cô đã "rào trước đón sau" rằng nếu chồng Ruby còn làm cô buồn, thì hãy trở về Hà Nội, trở về với các học viên luôn dành cho cô sự ngưỡng mộ lẫn tình cảm trân quý. Bởi thế, lớp học ngắn hạn lần này không chỉ là cơ hội để cô sửa nắn động tác và truyền đạt kiến thức pilates cho học viên, mà còn là cách để cô kết nối với học viên về mặt tinh thần, cũng như hồi đáp sự yêu thương từ phía họ. 

Trên khía cạnh nghề nghiệp, Ruby có 10 năm kinh nghiệm và rất nhiều quan điểm độc đáo về bộ môn pilates. Nếu khoảng 2 năm trở lại đây, các trung tâm ở Việt Nam không ngừng truyền thông, nhấn mạnh vai trò quan trọng của máy móc với việc luyện tập Pilates thì Ruby - bằng trải nghiệm của mình, đã đưa ra một góc nhìn đa chiều hơn. Cùng lắng nghe những chia sẻ của Ruby Phan-Laymon về luyện tập Pilates dù bạn đã tập hay mới chỉ mới nghe qua về bộ môn này.

Và nếu bạn vẫn đang hoang mang rằng có nên tập Pilates online không, hay nhất định phải đến trung tâm mới hiệu quả? - thì bài viết này là dành cho bạn.

Tập Pilates vì bị chê... ngực nhỏ

Xin chào Ruby, cơ duyên nào dẫn bạn đến với bộ môn pilates? Vì sao bạn lựa chọn pilates thay cho những môn thể thao, rèn luyện khác?

Ruby Phan-Laymon.
Ruby Phan-Laymon.

Ruby Phan-Laymon: Cuối cấp 3 và đầu đại học, mình có bạn trai. Có một (vài) lần cậu ta nhìn mình và vu vơ nói: "Sao ngực em nhỏ thế, em có làm thế nào cho nó to ra được không?". Phải mình bây giờ chắc sẽ đá cho mấy cái, nhưng mình của những năm 17-18 tuổi, vốn đã luôn cảm thấy kém tự tin về ngoại hình. Nhận được lời nhận xét từ chính người mà mình nghĩ là mình yêu, mình trăn trở lắm. Trong khi cách đây 10 năm, giải thích nguyên nhân ngực nhỏ, 90% sẽ nói đó là do gen, không thay đổi được, 10% còn lại sẽ quảng cáo bột mầm đậu nành đến kem mát-xa. Trong 10% đó, cũng có một chút hi vọng viển vông là nếu tập thể dục thì ngực sẽ tăng size một chút. Đằng nào thì khả năng cao vẫn là không thay đổi được, nên cái gì rẻ thì ta làm.

Mình bắt đầu tập theo youtube, với hy vọng là nếu mình tập thân dưới nhỏ đi, thân trên nở ra thì chắc nhìn ngực sẽ không còn quá nhỏ nữa, cơ thể cũng cân đối hơn. Hồi đó không có nhiều nội dung về tập luyện trên youtube, nên cái gì mình cũng đã thử qua. Pilates là một trong số đó. Sau khoảng một năm thử nhiều bài tập khác nhau, mình mặc dù chưa có ý niệm rõ ràng Pilates là gì nhưng một cách tự nhiên, đã cảm nhận được sự thích thú của cơ thể khi tập luyện theo phương pháp này. Mình thích cách Pilates được thiết kế để chúng mình vận động liên tục trong vòng một giờ đồng hồ, đem lại kết nối tâm - thân - trí.

Từ đó mình nhất tâm tập Pilates đến tận bây giờ. Ngực thì vẫn thế, bạn trai ngày đó thì cũng đã chia tay. Cảm ơn bạn đã cho mình mục tiêu mơ hồ, thậm chí vô thức khi bắt đầu hành trình đến với chính mình.

Bạn có thể chia sẻ về tình hình sức khỏe hiện tại, sau gần 10 năm luyện tập pilates được không?

Ruby Phan-Laymon: Mình cảm thấy mình đang “tự tin già đi” (cười). Đùa thôi, giá trị lớn nhất của việc tập luyện lâu dài là chấp nhận sự thay đổi không tránh được. Mình vẫn như mọi người, vẫn có ngày ốm và ngày khỏe hơn những ngày khác. Nhưng mình rất vui vì có thể tự tin đặt cơ thể vào những bối cảnh, thử thách khác nhau, từ thể thao, thể dục, đến các cuộc đi chơi, leo núi, hay lao động nặng. 

Thể dục đúng cách cởi bỏ sự bất mãn với cơ thể, cũng như giúp bạn đối xử công tâm với bản thân. Khỏe thì làm nhiều hơn một xíu, hơi mệt thì làm chậm hơn. Chia nhỏ việc ra, y như cách mình tập hay dạy trên thảm thôi.

HLV Ruby Phan-Laymon: 'Pilates đang bị truyền thông định hướng là môn luyện tập nhà giàu' - Ảnh 2

Triết lý của việc luyện tập Pilates - đối với bạn và cuộc sống của bạn là gì?

Ruby Phan-Laymon: Từ triết lý nghe hơi to tát nhưng mình hiểu câu hỏi là tập luyện Pilates có ý nghĩa như thế nào với cá nhân mình, và đóng góp như thế nào vào triết lý sống của mình, không biết có đúng không?

Bản chất Pilates là môn thể dục khoa học, với mục tiêu dạy người thực hành về nhận thức cơ thể. Càng học nhiều, bạn sẽ càng hiểu rõ những gì mình trải qua và đang làm. Ví dụ như Pilates lấy core - cơ lõi hay cơ trọng tâm làm gốc. Dưới ống kính tư duy vận động của Pilates, mọi chuyển động trên thân đều xuất phát hoặc được hỗ trợ bởi các cơ ở trung tâm cơ thể (core, cơ lõi, centre,...). Từ đây mình cũng có thể nói về cách mình sống: bản chất của sự vật hiện tượng cũng đơn giản thôi, mình cần tìm được mấu chốt và dành đủ thời gian tập trung vào nó. Để tìm được bản chất, đôi khi vẫn phải đi lòng vòng, thử này thử kia. Như cô giáo dạy khí công của mình có nói câu này rất hay, là các hình thức vận động như mình khoắng một cốc nước. Khoắng mạnh hay nhẹ thì sóng lớn cũng dần tan ra, tìm về tâm và tĩnh lại. Động thực chất là để tìm tĩnh, tìm sự ổn định, bình tâm, vững vàng.

Việc tập Pilates hàng ngày là sự nhắc nhở về các lựa chọn khác nhau trong đời - thực chất xoay quanh giá trị sống mình theo đuổi. Tập luyện không để đạt được tư thế này kia, mà có cái lõi khỏe để toàn thân có điểm tựa, tự tin thử và làm nhiều việc khác, ấy mới là đích đến của việc tập luyện.

Đời thay đổi khi ta tập Pilates

Trên facebook cá nhân, tôi nghe bạn nói về mối dây liên kết giữa việc tập luyện với sức khỏe tinh thần. Bạn có thể nói rõ hơn về khái niệm có phần trừu tượng này?

Ruby Phan-Laymon: Hiện nay, mình cảm thấy việc tập luyện bị gắn quá nhiều vào giảm cân, hay những xu hướng phô diễn 3 vòng trên mạng xã hội. Thành ra, đại chúng chỉ biết đến cơ và mỡ, trong khi một hệ thống quan trọng của cơ thể là hệ thần kinh hay dấu ấn tinh thần đến từ tập luyện thì ít ai quan tâm.

Ví dụ như khi bạn giãn cơ, cái đau nào là kéo giãn, cái đau nào là cơ thể báo động nguy hiểm cần dừng lại,... thì đây là việc của hệ thần kinh. Rồi các bộ phận của cơ thể cũng kích hoạt cảm xúc. Như thay đổi tư thế từ gù lưng, cúi gằm (cổ) thành mở ngực mở vai,... tất cả những điều này thực sự sẽ giúp bạn cảm thấy tự tin hơn.

Mình xin chia sẻ một chút về câu chuyện của bản thân: Mình vốn không phải một người có năng khiếu vận động. Tức là từ những ngày cấp 2 cấp 3, khi tập aerobic, mình luôn mất nhiều thời gian để bắt chước (so với các bạn), và nhiều thời gian hơn nữa để tập vừa đúng vừa đẹp. Sau này nghĩ lại, mình cho rằng chính vì bản thân đã ngượng ngùng, mang tâm lý sợ sai, không kết nối với cơ thể nên những chuyển động của mình trở nên gượng gạo. Vậy mà sau chừng ấy năm, giờ mình lại được học viên và cô giáo huấn luyện nhớ tới vì chuyển động đẹp, mềm mại, mạnh khỏe. Hành trình này dạy cho mình về sự thấm ngược. Mỗi giờ trên thảm như giống như học thêm từ vựng để giao tiếp với cơ thể, đến một đoạn nào đó, thay vì “small talks” về thời tiết như một người mới tập, mình có thể nghe được cơ thể muốn chuyển động thế nào để giúp nó biểu đạt. 

Ruby Phan-Laymon: 'Pilates lấy core - cơ lõi hay cơ trọng tâm làm gốc. Dưới ống kính tư duy vận động của Pilates, mọi chuyển động trên thân đều xuất phát hoặc được hỗ trợ bởi các cơ ở trung tâm cơ thể (core, cơ lõi, centre,...).'
Ruby Phan-Laymon: "Pilates lấy core - cơ lõi hay cơ trọng tâm làm gốc. Dưới ống kính tư duy vận động của Pilates, mọi chuyển động trên thân đều xuất phát hoặc được hỗ trợ bởi các cơ ở trung tâm cơ thể (core, cơ lõi, centre,...)."

Theo bạn, những ai là người nên tập pilates?

Ruby Phan-Laymon: Mình nghĩ ai cũng nên tập Pilates. Pilates nói đơn giản chỉ là thể dục, là dành thời gian cho bản thân thôi mà. Chúng mình nên nghĩ về tập luyện nói chung và tập Pilates như tiết kiệm sức khỏe, giống như việc tiết kiệm tài chính. Lấy những giới hạn vận động, các loại đau lưng, khó chịu thể chất hay tinh thần là số 0, tài khoản tiết kiệm 0 đồng, thì mỗi giờ tập luyện như một khoản tiết kiệm sức khỏe, càng bỏ nhiều tiết kiệm thì ta càng xa vạch 0. Nếu bạn đến với Pilates từ con số 0, chưa tập luyện gì, bây giờ mới bắt đầu tiết kiệm sức khỏe cũng không sao cả. Không phải mình khuyên bạn tập Pilates vì mình là HLV, chỉ là với kinh nghiệm thực hành của mình, Pilates là cách tư duy vận động, là phương tiện hiểu cơ thể, hiểu chính mình hơn. Từ đây, đi theo hướng nào là lựa chọn cá nhân.

HLV Ruby Phan-Laymon.
HLV Ruby Phan-Laymon.

Vai trò của máy móc hỗ trợ với việc thực hành Pilates

Nếu gặp một người chưa biết gì về pilates nhưng khao khát muốn thực hành pilates, bạn sẽ khuyên họ điều gì?

Ruby Phan-Laymon: Mình cho rằng ai đang khao khát tập Pilates mà lại gặp mình chắc sẽ muốn thử ngay. Tập luyện, Pilates hay bất kì môn thể dục, nghệ thuật nào khác đều nên thực hành để đưa ra lựa chọn, chứ không nên mãi băn khoăn để chẳng thể bắt đầu.

Bản thân mình sẽ hỏi về quỹ thời gian của họ, mục tiêu tập luyện, tình hình sức khỏe, lịch sử luyện tập... từ đó có thể hướng họ đến những hình thức phù hợp. Không nhất thiết là phải tập với mình. Mình có thể giới thiệu họ đến những chương trình online uy tín, các trung tâm hoặc giáo viên phù hợp với họ hơn chẳng hạn.

Thời gian gần đây, người ta nói nhiều về vai trò của máy móc với việc thực hành pilates. Tuy nhiên, theo dõi facebook cá nhân của bạn, tôi thấy hành trang của bạn khi tập pilates đôi khi chỉ là một tấm thảm, cùng… một bức tường. Vậy bạn đánh giá tầm quan trọng của máy móc hỗ trợ đối với việc tập luyện pilates như thế nào?

Ruby Phan-Laymon: Pilates là một phương pháp vận động, đằng sau nó là lý thuyết và cơ sở khoa học của việc tại sao ta làm thế này chứ không làm thế khác. Tập máy hay tập thảm, chỉ cần đúng phương pháp thì đều là Pilates thôi.

Tập máy có cái hay của máy. Máy hỗ trợ mình đặt cơ thể vào đúng điều kiện để cảm nhận được từng bộ phận, nhóm cơ mà mình nên cảm nhận trong từng động tác. Trải nghiệm với máy khi đi kèm với HLV giỏi có thể khiến mình thấy yên tâm và chắc chắn hơn khi tập.

Nhưng không có gì làm được trên máy mà không làm được trên thảm. Việc tập với thảm đôi khi còn thử thách hơn. Mình chung thủy với thảm là vì mình quan niệm tập luyện cần dễ tiếp cận và đơn giản. Điều này trái ngược với cách mà các trung tâm và nhiều người nổi tiếng đang truyền thông, khiến đại chúng coi Pilates là môn tập luyện đắt tiền, sang chảnh - môn của "nhà giàu" và các ngôi sao nổi tiếng. Trong khi đó, các HLV vẫn nói với nhau Pilates thảm là món quý giá nhất của Pilates. Tức là thảm là cách thức đơn giản, ít mất công, mất của nhất để giới thiệu Pilates cũng như tác dụng của Pilates đến với bất kỳ ai. Chuyện tập Pilates đắt đỏ cũng là một vấn đề. Mình nghĩ bản thân bộ môn cần cải thiện toàn diện để giá trị của Pilates vượt ra khỏi rào cản giá cả. 

HLV Ruby Phan-Laymon: 'Pilates đang bị truyền thông định hướng là môn luyện tập nhà giàu' - Ảnh 5

Nhiều giáo viên pilates khắp thế giới đã phải đóng cửa studio, bỏ lại máy móc và về dạy thảm do đại dịch COVID-19. Họ thừa nhận khi không còn máy móc dụng cụ, sức sáng tạo và khả năng quay về với cảm nhận thật của cơ thể, thì các chuyển động trở nên bản năng, kết nối với thể trạng và cảm xúc của hiện tại hơn.

Để nói ngắn gọn về tầm quan trọng của tập máy trong tập Pilates, mình sẽ nói là tùy trải nghiệm cá nhân. Nếu bạn cần được hỗ trợ bằng máy, thích trải nghiệm tập máy, và tập máy khiến bạn vận động đều đặn, từ đó khỏe hơn thì máy chắc chắn là quan trọng rồi. Còn nếu bạn chỉ muốn được vận động, muốn thử Pilates, muốn dành thời gian cho bản thân, thì thảm thôi là đã đủ.

Lớp học pilates 'không máy móc' của Ruby Phan-Laymon và các học viên.
Lớp học pilates "không máy móc" của Ruby Phan-Laymon và các học viên.

Tập Pilates online có hiệu quả không?

Được biết, Ruby đã kết hôn và sẽ sớm cùng chồng trở lại Mỹ trong thời gian tới. Điều đó đồng nghĩa với việc bạn sẽ không thể trực tiếp đứng lớp tại Việt Nam. Bạn đánh giá hình thức tập Pilates online có hiệu quả không? Ưu - nhược điểm của việc tập luyện pilates online?

Ruby Phan-Laymon: Hành trình của mình bắt đầu từ tự tập online suốt nhiều năm, thậm chí đến giờ vẫn chăm chỉ theo học các khóa online. Mình tin tập online có thể rất hiệu quả nếu chúng mình đặt tâm ý vào đúng chỗ.

Nhưng để trả lời câu hỏi của bạn, chúng ta cần thống nhất thế nào mới là “hiệu quả”? Có người đến với tập luyện vì mục tiêu giảm eo, tăng mông, tăng đùi. Có người thì thích tập phải đau đớn và cho rằng như thế thì mới hiệu quả. Trong khi người đau lưng, đau cổ mãn tính cảm thấy triệu chứng và cơn đau giảm thì đã rất vui rồi. 

HLV Ruby Phan-Laymon: 'Pilates đang bị truyền thông định hướng là môn luyện tập nhà giàu' - Ảnh 7

Quan điểm và mong cầu của mỗi người gắn với việc tập luyện sẽ đem họ đến với trải nghiệm khác nhau. Với mình, từ góc độ người dạy hay người tập, hiệu quả có nghĩa là bạn vui vẻ khi tập luyện, duy trì được đều đặn, cuộc sống 23 giờ ngoài thảm của bạn vui khỏe, có năng lượng hơn.

Từ quan điểm này, mình tin tập online có hiệu quả. Mục tiêu của mình khi dạy online là rèn cho học viên ý thức về cơ thể và ý thức tự giác tập luyện. Khi các bạn vui, các bạn sẽ muốn sắp xếp công việc và thời gian đi tập đều. 

Học viên cần lưu ý điều gì khi luyện tập thể dục - thể thao online nói chung và pilates online nói riêng?

Ruby Phan-Laymon: Điều đầu tiên, mình xin khẳng định cứ là vận động thì đã đáng hoan nghênh, không kể hình thức vận động. Và dù tập online hay tập offline ở studio, bạn đều cần cho bản thân một cơ hội để cảm nhận công bằng. Nghĩa là hãy thử dành một khoảng thời gian đủ lâu để hiểu trải nghiệm luyện tập bạn chọn. Ví dụ, bạn nghĩ mình thích yoga hay bóng rổ thì khi mới bắt đầu, bạn đừng vội nản chí khi mình chưa làm tốt ngay. Vận động là một ngôn ngữ khác, cần thời gian vận dụng để trở nên tự nhiên. Thử để biết mình hợp với cái gì hay không hợp với cái gì đều quan trọng như nhau. Đôi khi mình không hợp với cách diễn đạt của HLV thôi, chứ không hẳn là bộ môn đó.

Lúc mới đi dạy mình luôn căng thẳng và tập trung nhiều vào kỹ thuật và sự an toàn, nên luôn cố nắn mọi người theo bài bản nhất. Nhưng qua thời gian học hỏi và đưa chính trải nghiệm tập luyện cá nhân của mình vào lớp, mình bắt đầu linh hoạt và mềm dẻo hơn khi đưa cho học viên một khoảng giao động an toàn để có sai cũng không sao. Nếu cô giáo cứng nhắc, chỉ chăm chăm vào kĩ thuật, học viên sẽ ít có cơ hội tập lắng nghe cơ thể. Với các bạn hay sợ tập sai, chúng ta hãy quay lại chuyện cứ vận động đã là hoan nghênh rồi. Phải sai thì mới đúng được nên đừng ngại thử và sai. Hãy đặt tiêu chuẩn và khoảng thời gian thử đủ lâu. Cũng nhớ rằng chúng ta luôn được quyền đổi ý trên hành trình luyện tập của chính mình.

Một điều khác mình quan sát được khi tập online là các bạn cần chuẩn bị tinh thần cho những ngày… tự nhiên chán. Đây gần như là điều tất yếu. Vì tập online hầu như là tập một mình, ở nhà hay trong phòng, không bạn tập, không ai tung hô, không ai tán dương, cũng không có cơ sở vật chất lung linh để checkin. 

Kết thúc chuyến yêu xa này, để mở ra hành trình yêu xa khác

Hơi tò mò một chút, nhưng bạn quen chồng bạn trong hoàn cảnh nào? Bạn có thể chia sẻ một chút về tình yêu của mình?

Ruby Phan-Laymon: Mình và anh nhà gặp nhau ở một ecolodge trong rừng ở Kampot, Cam-pu-chia. Hồi đó mình có nghề tay trái là dạy ở trung tâm, học sinh nghỉ hè mình cũng được nghỉ, mình tranh thủ xuống miền Nam chơi trong lúc chờ đến ngày tham dự khóa thiền Vipassana đầu tiên. Anh lúc đó đang đến đoạn cuối của chuyến chu du dài 7 tháng khắp châu Á.

Để nói về cách tình yêu của chúng mình bắt đầu, mình hay dùng cụm từ tiếng Nhật “koi no yokan”. Tức là không phải tình yêu từ cái nhìn đầu tiên, mà từ lần đầu gặp gỡ ấy, chúng mình đều nảy sinh một linh cảm rằng: Nếu chúng mình có cơ hội gặp lại nhau một lần nữa, có lẽ chúng mình sẽ yêu nhau.

'Nếu chúng mình có cơ hội gặp lại nhau một lần nữa, có lẽ chúng mình sẽ yêu nhau.'
"Nếu chúng mình có cơ hội gặp lại nhau một lần nữa, có lẽ chúng mình sẽ yêu nhau."

Chúng mình yêu xa ba năm trước khi kết hôn. Ban đầu cứ 5 -6 tháng anh lại sang VN chơi với mình một lần, nhưng COVID ập đến khiến chúng mình xa nhau lâu nhất là 14 tháng liên tục. 

Việc yêu xa dạy chúng mình cách bình tâm nói chuyện, chuyện gì cũng nói được, từ riêng tư khó nói như gia đình, những vệt sang chấn tâm lý thuở nhỏ, mối quan hệ với tiền bạc, sự nghiệp,... Yêu xa dạy chúng mình cách xây nền móng tình yêu từ niềm tin, sự kiên nhẫn và tình bạn. Hiện giờ thì anh là bạn thân của mình, mình là bạn thân của anh.

Trải qua 3 năm yêu xa mới đi tới một đám cưới, cuộc sống ở “thị trấn nhỏ tới nỗi nhiều người Mỹ còn không biết tên” hiện tại có khác với hình dung ban đầu của bạn về một “cuộc sống kiểu Mỹ” không? Và thực ra thì thị trấn nhỏ tên là gì?

Hành trình yêu xa của Ruby khép lại bằng hai đám cưới, một tại Mỹ, một tại Việt Nam, nhưng mở ra cho cô một cuộc sống mới mà cô đặt vào nó sự tin tưởng.
Hành trình yêu xa của Ruby khép lại bằng hai đám cưới, một tại Mỹ, một tại Việt Nam, nhưng mở ra cho cô một cuộc sống mới mà cô đặt vào nó sự tin tưởng.

Ruby Phan-Laymon: Mình không có “ước mơ Mỹ” hay ý niệm về “cuộc sống kiểu Mỹ” đâu. Trong những năm yêu nhau, chúng mình vẫn thường xuyên cập nhật về cuộc sống, các lựa chọn quan trọng như đổi việc, mua nhà, lý tưởng và quan điểm sống. Mình không bất ngờ khi anh chọn mua nhà ở một nơi xa thành phố như thế. Mình từ một cô gái Hà Nội chuyển về nơi vắng người ở bờ Tây nước Mỹ chắc chắn có những khía cạnh cần học hỏi và thích ứng với cuộc sống mới, nhưng mình đã quyết định xa nhà, chuyển sang Mỹ vì mình có niềm tin vào hai đứa, cả tình yêu lẫn năng lực. Rằng ở đâu cũng có thể là nhà, ở đâu chúng mình cũng có thể tạo ra cuộc sống có ý nghĩa. Hiện tại thì mình hạnh phúc được ở nơi nhiều cây hơn người, gần biển, gần vịnh, đó là Toledo -  trên bản đồ vẫn sẽ gọi là thành phố, nhưng thực chất chỉ giống như một thị trấn được nới rộng bởi rừng, với dân số khoảng 3600 người.

Hà Nội thì sao? Bạn nhớ Hà Nội chứ?

Ruby Phan-Laymon: Có, và rất thường xuyên. Hà Nội là một phần của mình. Càng ở xa, mình càng nhìn rõ và hiểu hơn tuổi thơ của mình, sự ảnh hưởng của gia đình, bạn bè lên con người mình hiện tại. Sống xa nhà như một bước lùi lại để nhìn rõ hơn cả hành trình cuộc đời đến thời điểm hiện tại vậy. Nên kết hôn với mình chính là kết thúc chuyến yêu xa này để bắt đầu hành trình yêu xa khác, nhưng lần này mình đã dày kinh nghiệm hơn rồi.

Nếu không phải một giáo viên dạy pilates, Ruby sẽ làm công việc gì?

Ruby Phan-Laymon: Dạy Pilates là một trong rất nhiều việc mình làm cho đến thời điểm này. Mình luôn nghĩ mình sẽ “về hưu” cỡ ngoài 50 và chỉ viết văn, kể chuyện. Từ giờ đến lúc đó, mình vẫn làm vợ, làm con gái của ba mẹ mình, mình vẫn viết, ai ấn cái gì hay ho vào tay bảo “viết đi” vẫn sẽ nhặt lên ngắm nghía. Mình cũng thích nấu ăn, đang muốn thử mở bếp thực nghiệm nhỏ xinh bên bờ biển… Mình thích đan lát, móc len, khâu vá, nên nếu không dạy Pilates có khả năng cao sẽ quay lại làm cửa hàng đồ thủ công.

Tất cả những gì mình chia thời gian ra để làm hàng ngày, ngấm vào mình, đều có thể chảy ra đời, trở thành đóng góp của mình. Mình tập thể dục chưa từng nghĩ đến việc làm cô giáo. Mọi chuyện tự nhiên vì mình thích học, thích làm học trò, thích đào sâu, tìm hiểu kĩ thôi.

Cảm ơn Ruby Phan-Laymon về cuộc trò chuyện vừa rồi!

Kỳ lạ như Bae Suzy: Không yoga hay pilates, chỉ đứng yên một chỗ vẫy tay mà cũng giảm cân Yoona (SNSD) khắc phục được khuyết điểm chân vòng kiềng nhờ tập pilates Pilates hay Yoga - cái nào phù hợp với bạn hơn?
Copy URL

Bình luận

Tin đáng chú ý

Chủ đề mới trên 2Đẹp