"Học, học nữa, học mãi": Đừng lấy những mảng u tối để lấp lối của tri thức bao la

Alex Đăng lúc: Thứ hai, 04/04/2022 19:14 (GMT +7)
Việc diễn viên Tùng Dương cho rằng nên bỏ câu 'Học, học nữa, học mãi' đang gây rất nhiều tranh cãi. Nhưng liệu người ta có đang bi kịch hóa câu danh ngôn này.

Dòng trạng thái gây xôn xao của nam diễn viên đăng tải lên trang FB cá nhân có nội dung: “Đã đến lúc ngành giáo dục nên loại bỏ câu: “Học, học nữa, học mãi" ra khỏi sách giáo khoa đi. Sự việc vừa xảy ra quá đau lòng". Ngay sau đó, rất nhiều cư dân mạng không đồng tình với suy nghĩ này của nam diễn viên sinh năm 1969 và đã tràn vào trang cá nhân của anh để bày tỏ quan điểm phản bác.

Có lẽ, đây là những suy nghĩ xuất phát từ những vụ việc đau lòng vừa qua liên quan tới các em học sinh. Đặc biệt là khi nguyên nhân được rất nhiều người cho rằng, các em đã tìm đến cách giải thoát tiêu cực vì áp lực học hành quá nặng nề đến từ nền giáo dục và gia đình.

Bài đăng gây tranh cãi của diễn viên Tùng Dương.
Bài đăng gây tranh cãi của diễn viên Tùng Dương.

Các luồng ý kiến xoay quanh câu danh ngôn này của nhà tư tưởng vĩ đại V.I.Lenin đã được đưa ra. Có người cho rằng, nếu gán vào nhiều trường hợp thì quả thực, câu danh ngôn này đang bị lấy ra làm "chiếc roi mây" để hối thúc các em học sinh "học ngày học đêm", chạy theo bệnh thành tích và đến cuối cùng là tạo ra áp lực đè nặng lên những tâm hồn non nớt, đầy bất ổn của lứa tuổi học trò. Bản thân nam diễn viên Tùng Dương cũng cho rằng, mọi người đã hiểu chưa đúng ý mà anh muốn diễn đạt, bởi anh chỉ muốn nói ở một góc độ rằng, khi câu nói trên được đưa vào sách giáo khoa, các em và thậm chí là các bậc cha mẹ sẽ cho rằng học hành là con đường bắt buộc, sẽ không hiểu hết ý nghĩa sâu xa của câu nói mà lao vào "cắm đầu học" chẳng biết đến đâu.

Vậy cái sự học trong câu dành ngôn "Học, học nữa, học mãi" liệu có hẹp hòi đến vậy?

Trước tiên, phải khẳng định rằng, ý nghĩa của câu nói "Học, học nữa, học mãi" khi được danh nhân V.I.Lenin đưa ra có tầm vóc rộng lớn vô cùng. Đây là điều được nhân loại thừa nhận, lịch sử thừa nhận và được minh chứng qua thực tiễn của dòng chảy thời gian. Tri thức là vô tận và việc học ở đây là sự trau dồi, tiếp nhận thông tin và phát triển bản thân ở tất cả các lĩnh vực trong cuộc sống, không chỉ gói gọn ở bất cứ quy chuẩn nào hay ở bất cứ đâu. Để tiếp nhận hết nền tri thức là điều không thể dù có mất cả đời người, vì thế, khi khởi đầu việc học thì sẽ cần học nữa và tiếp tục học mãi nếu không muốn bản thân mình chững lại trong đại dương tri thức bao la. "Học, học nữa, học mãi" là một câu nói không hề sai và nó xứng đáng có mặt ở trong bất cứ văn tự hay cuốn sách giáo khoa nào trên mọi đất nước khắp trái đất này bởi tính đúng đắn của nó.

Ý nghĩa của câu nói 'Học, học nữa, học mãi' của danh nhân V.I.Lenin có tầm vóc rộng lớn vô cùng.
Ý nghĩa của câu nói "Học, học nữa, học mãi" của danh nhân V.I.Lenin có tầm vóc rộng lớn vô cùng.

Nhiều người sẽ phản bác, cái gì cũng có 2 mặt của nó. Có đúng thì sẽ có sai, chẳng có gì là tuyệt đối. Lý thuyết có thể đúng nhưng bị áp dụng sai không phải là chuyện hiếm. Ngoài học hành, học tập còn có học đòi, học vẹt, học lỏm... "Học" là một "từ khó" bởi sự “học” ở đây không đơn thuần là tiếp nhận kiến thức khoa học mà còn là kiến thức đạo đức, sự chiêm nghiệm để nhận ra lí lẽ đúng sai và biết phân biệt tốt xấu.

Thái tử Tất Đạt Đa Cồ Đàm "học" được sự giác ngộ mà thành đức Phật Thích Ca Mầu Ni, Albert Einstein "học" được kiến thức khoa học để trở thành nhà trí thức, nhà phát minh vĩ đại nhất thế kỷ nhưng bên cạnh đó, lịch sử cũng chứng kiến một  Adolf Hitler "học" được cách chớp thời cơ, sự tàn nhẫn và ham muốn cực độ cùng vô vàn điều tăm tối trên con đường thành kẻ diệt chủng man rợ kinh hoàng. Những cái tên kể trên và rất nhiều vĩ nhân khác nữa, dù họ đi theo con đường "đúng" hoặc "sai" thì đều có thể nói là đã thành công trên bước tiến tới "đỉnh cao" của cuộc đời mình.

Albert Einstein và Adolf Hitler không giống nhau, nhưng họ đều học được những thứ cần cho bản thân để đưa mình lên tới 'đỉnh cao'.
Albert Einstein và Adolf Hitler không giống nhau, nhưng họ đều học được những thứ cần cho bản thân để đưa mình lên tới "đỉnh cao".

Bỏ qua những điều tưởng như văn hoa và xa xôi trên thì ở trong cuộc sống thường nhật hàng ngày, chẳng phải chúng ta kể từ khi sinh ra, ngay lập tức đã phải "học" một cách miệt mài hay sao? Khi là một đứa trẻ, ta phải học nói, học đi, lớn lên thì phải học kiến thức, học cách trưởng thành và hoàn thiện nhân cách. Rồi sau đó, ta lại học yêu, học làm quen với trách nhiệm và vượt qua gian khó. Khi có con, ta lại phải học cách làm cha, làm mẹ và hoàn thiện cách học yêu thương một con người. Thế nên, bất cứ người nào muốn đạt tới điều mình mong mỏi, dù là tốt hay là xấu, là ao ước ích kỷ của bản thân hay tư tưởng đại đồng cho thế giới thì đều phải "học, học nữa và học mãi" cho đến khi dừng lại ở đâu đó trong số mệnh cuộc đời.

Cuộc đời mỗi con người là sự học hỏi vô tận ngày từ khi mới sinh ra.
Cuộc đời mỗi con người là sự học hỏi vô tận ngày từ khi mới sinh ra.

Việc lấy những sự việc đáng tiếc và những mảng tối trong vòng quay "học hành" ra để phủi đi những điểm sáng của tri thức, xóa nhòa đi những giá trị tốt đẹp của việc nỗ lực học tập của con người là thiếu sáng suốt và công bằng. Kêu gọi việc xóa bỏ một câu danh ngôn không giúp nỗi đau vơi bớt, cũng chẳng làm những sự việc đáng tiếc sẽ giảm đi. Bởi suy cho cùng, ngay chính những sự việc đau lòng vừa qua chẳng phải là những "bài học đắt giá" mà mọi bậc phụ huynh, những người làm giáo dục hay chính các em học sinh cần phải "học" để không vướng phải trong tương lai sắp tới hay sao?

Học phí trường "con nhà giàu" ở Việt Nam: Nhiều cái tên vượt xa RMIT Thiên tài người Bỉ 11 tuổi đã tốt nghiệp đại học muốn tìm kiếm "cuộc sống bất tử" Thiên tài 12 tuổi đã đỗ đại học, thành phó giáo sư ở tuổi 25 và khiến đại học Harvard "tình nguyện" phá bỏ thông lệ tồn tại 300 năm
Copy URL

Bình luận

Tin đáng chú ý

Chủ đề mới trên 2Đẹp