Theo TS Chử Văn Mến, giám đốc Trung tâm thử nghiệm lâm sàng và tương đương sinh học (Học viện Quân Y) cho biết, đã có 20 người tiêm thử nghiệm vắc-xin Nano Covax liều 25mcg vào ngày 17/12 vừa qua. Trong đó 50 – 75% trong số tình nguyện viên sau khi tiêm thuốc có những biểu hiện phản ứng lại thành phần của vắc-xin, triệu chứng bao gồm: đau nhẹ tại bắp tay (nơi tiêm thuốc) đi kèm sốt dao động từ 37,1 đến 37,8 độ. Những người còn lại ở tình trạng ổn định. Các triệu chứng phản ứng phụ nói trên đều tự biến mất sau khoảng 24h mà không cần can thiệp y tế.
Đến sáng 30/12, phía trung tâm đã tiếp tục tiến hành tiêm vắc-xin Nano Covax ngừa COVID-19 cho 11 người thử nghiệm mới, nhưng tăng lên liều 50 mcg và hiện tại chưa ghi nhận có phản ứng phụ nào đáng kể.
Cũng theo TS. Mến, Học viện Quân y đã đề xuất tăng liều vắc-xin Nano Covax lên 75mcg và đang chờ phê duyệt của Bộ Y tế trước khi tiêm thử nghiệm trên người. Ông Mến cho rằng, những phản ứng phụ sau khi tiêm vắc-xin đều nằm trong dự liệu và hoàn toàn được kiểm soát. Rủi ro xảy ra các phản ứng phụ mang tính chất nặng của vắc-xin đối với cơ thể người là rất thấp.
Tuy nhiên, thấp không có nghĩa là không thể xảy ra, theo đại diện Công ty Nanogen (đơn vị sản xuất vắc-xin Nano Covax). Những biểu hiện dạng nhẹ nếu người được tiêm vắc-xin dị ứng với thuốc là đau cơ, sốt hoặc nôn. Nếu dị ứng nặng thì sẽ xuất hiện triệu chứng sưng tấy, nhiễm trùng, xuất hiện quầng đỏ và màng cứng tại vị trí tiêm.
Theo Trung tướng Đỗ Quyết, Giám đốc Học viện Quân y, đơn vị đã lập ra 10 tổ chuyên môn gồm cấp cứu, an toàn chuyên môn… để sẵn sàng ứng phó cho mọi tình huống có thể xảy ra trong quá trình thử nghiệm.
Vắc-xin Nano Covax sẽ tiếp tục được thử nghiệm trên người tình nguyện trong những ngày tới với hi vọng hoàn thiện và có thể sớm đưa vào sử dụng rộng rãi trong cộng đồng.
Bình luận