Nghệ thuật hàn lâm thay đổi thước đo giá trị thời Covid

Lệ Nguyễn Đăng lúc: Thứ hai, 07/09/2020 14:06 (GMT +7)
Những tiêu chuẩn khắt khe duy trì hàng thế kỷ của nghệ thuật hàn lâm phương Tây cuối cùng vẫn bị thay đổi bởi một con virus.

Không phải là những trào lưu thể nghiệm đương đại hay sáng tạo lập dị của một nghệ sĩ vĩ cuồng, chính con virus nCoV mới là tác nhân làm thay đổi nền nghệ thuật hàn lâm phương Tây thời hiện đại.

Khi dịch bệnh là cơ hội để đưa "nghệ thuật kén người xem" tới gần hơn với khán giả.

Trong điều kiện dịch bệnh đang có nhiều diễn biến khó lường như hiện tại, khi không gian cầu kỳ lý tưởng là một đòi hỏi xa xỉ, việc làm sao để duy trì những sinh hoạt văn hóa kết nối con người với cái đẹp lý tưởng là một bài toán khó với nghệ thuật hàn lâm.

Song, những thương hiệu nhà hát, bảo tàng lừng danh Âu - Mỹ đã tìm ra được đáp án.

Nghệ thuật hàn lâm thay đổi thước đo giá trị thời Covid - Ảnh 1

Hàng loạt các bảo tàng hàng đầu thế giới tái hiện lại những triển lãm đình đám nhất trong lịch sử của họ thông qua hình thức online. Đây là một dự án của Google nhằm giúp người dân thế giới thưởng thức nghệ thuật tại nhà mà không cần xếp hàng mua vé. Danh sách bảo tàng tham gia vào dự án Art And Culture của Google lên tới con số 500.

Được quan tâm nhất là các triển lãm của Bảo tàng Nghệ thuật Hiện đại (MoMA), New York, Mỹ. MoMA mang đến cho công chúng hàng loạt triển lãm ấn tượng, trong đó có triển lãm lần đầu tiên vào năm 1929 với bộ sưu tập các tác phẩm hội họa từ những gương mặt tiên phong của phong trào Hậu Ấn tượng bao gồm: Cézanne, Gauguin, Seurat, và Van Gogh.

Nghệ thuật hàn lâm thay đổi thước đo giá trị thời Covid - Ảnh 2

Tương tự là dự án Painting by Numbers, triển lãm online với hàng loạt bức tranh thực vật vintage. Dự án này là cái bắt tay của các bảo tàng lừng danh nhất thế giới đến từ Hoa Kỳ, Anh Quốc, Nga và Áo như: Bảo tàng Lịch sử Thiên nhiên Vienna, Thư viện Bang New South Wales,Thư viện Bodleian Oxford, Khu vườn thực vật Quốc gia M. M. Gryshko tại Kiev, Bảo tàng Lịch sử Thiên Nhiên London, và Linnean Society London.

Không chỉ bảo tàng, các nhà hát nhạc vũ kịch cũng chuyển mình từ không gian nhà hát sang không gian kỹ thuật số.

Vốn dĩ, thưởng thức nhạc vũ kịch kỹ thuật số từng bị "kỳ thị" do mất đi không gian nhà hát và hành vi tương tác trực tiếp - hai yếu tố cấu thành nên tính nghệ thuật của nghệ thuật hàn lâm. Tuy nhiên, hôm 27-3, nhà hát Bolshoi (Nga) đã phá vỡ truyền thống bằng thông báo đưa các vở diễn opera và ballet kinh điển nhất của Bolshoi lên YouTube. Mỗi vở được chiếu trong 24 tiếng trước khi rút xuống. Đó là các vở thuộc bộ sưu tập vàng của Bolshoi gồm: Hồ thiên nga (công chiếu hôm 27-3), Công chúa ngủ trong rừng (28-3), Cô dâu của Sa hoàng (1-4), Marco Spada (4-4), Boris Godunov (7-4), Kẹp hạt dẻ (10-4). 

Nghệ thuật hàn lâm thay đổi thước đo giá trị thời Covid - Ảnh 3
Nghệ thuật hàn lâm thay đổi thước đo giá trị thời Covid - Ảnh 4

Trước đó, ngày 12-3, nghệ sĩ dương cầm Igor Levit đã dùng nền tảng Twitter để phát trình diễn đầy ngẫu hứng bản Waldstein Sonata Op. 53 của Beethoven từ ngay chính căn hộ của anh tại Berlin. Mục đích của anh là nhằm giúp giải khuây cho những người đang bị cách ly tại nhà bởi mối lo sợ virus corona chủng mới. Levit phát biểu đôi lời gửi đến những khán giả theo dõi anh qua Twitter. "Chúng ta hãy tổ chức hòa nhạc ngay tại nhà trong thế kỷ 21 này!". Buổi diễn của anh kéo dài trong 25 phút, được chia sẻ lại 1.500 lần và thu được gần 6.000 lượt thích.

Thành công của Bolshoi cùng nhiều nghệ sĩ độc lập đã tạo ra cú hích cho các nhà hát nhạc vũ kịch giao hưởng trên toàn cầu.  Điển hình như Nhà hát opera quốc gia Berlin, thay vì hoãn buổi diễn vở Carmen của George Bizet, nhà hát đã chọn phát trực tuyến miễn phí toàn bộ chương trình cho khán giả khắp thế giới.

Dàn nhạc giao hưởng Berlin, Trung tâm Lincoln (Mỹ) cũng chọn phát miễn phí các chương trình hòa nhạc trên các nền tảng nghe nhìn trực tuyến.

Nghệ thuật hàn lâm thay đổi thước đo giá trị thời Covid.
Nghệ thuật hàn lâm thay đổi thước đo giá trị thời Covid.

Có lẽ chỉ Covid-19 mới đủ sức mạnh để lay chuyển nghệ thuật hàn lâm "đổi chiều", đi theo hướng mà điện ảnh, âm nhạc hiện đại đã làm để tiếp cận với khán giả. Bằng cách đó, hội họa, ballet, giao hưởng... không hề bị giảm giá trị mà còn được lan tỏa những giá trị đỉnh cao ra toàn thế giới. Ở khía cạnh tích cực, đại dịch Covid-19 rõ ràng đã tạo ra những cuộc cách mạng trong nhiều lĩnh vực được xem là bảo thủ nhất, trong đó có nghệ thuật hàn lâm.

Khởi tạo "New Life" trong mùa Covid-19 Trang bìa tạp chí Vogue: Thời trang chuyển mình cùng covid-19
Copy URL

Bình luận

Chủ đề mới trên 2Đẹp