Sáng 14/10, bác sĩ CK2 La Văn Phú – Trưởng khoa Ngoại Tổng hợp, Bệnh viện Đa khoa thành phố Cần Thơ cho biết, sau 2 lần phẫu thuật, bệnh viện đã tạo hình thành công hậu môn cho một bệnh nhân nam 25 tuổi không có hậu môn bẩm sinh.
Anh nhập viện trong tình trạng đi cầu qua đường niệu đạo rất khó khăn, vùng tầng sinh môn rỉ dịch phân lẫn nước tiểu rất hôi. Các bác sĩ chẩn đoán anh A. bị bất sản hậu môn – trực tràng (Anorectal Agenesis) kèm rò trực tràng – niệu đạo tiền liệt tuyến.
Ngay từ lúc sinh ra, anh D.T.A. (25 tuổi, nhà ở huyện Thốt Nốt, Cần Thơ) đã không có hậu môn. Sau khi sinh được 3 ngày, anh A. cũng được đưa lên bàn mổ nhưng không đem lại kết quả tốt đẹp.
Mẹ của anh cho biết, hơn 20 năm qua vì phân đi ra ngoài qua đường tiểu (niệu đạo) nên anh A. không kiểm soát được khiến dịch phân lẫn nước tiểu thường xuyên rỉ ra rất hôi.
Anh đi xin làm thuê cho ông chủ đóng ghe sắt gần nhà. "Do mỗi khi đi cầu phải mất 3 – 4 tiếng đồng hồ nên ông chủ đóng ghe nghĩ A. làm biếng, lấy cớ đi vệ sinh để tránh việc. Làm được một thời gian, A. bị đuổi việc", mẹ của anh kể lại.
Bác sĩ La Văn Phú cho biết, dị dạng hậu môn - trực tràng là bệnh ít gặp, cứ khoảng 4.000 – 5.000 trẻ sinh ra sống thì có một trường hợp bị dị tật này. Dị dạng hậu môn – trực tràng có nhiều loại, trong đó bất sản hậu môn – trực tràng của anh A. là thể khó điều trị. Hơn nữa, anh A. đã 25 năm cơ vòng hậu môn không hoạt động nên bị teo và co thắt yếu.
Sau khi phẫu thuật, anh A. cần phải chăm sóc cho hậu môn không bị nhiễm trùng, nong hậu môn cho đủ rộng và tập cho cơ vòng co bóp trở lại. Nếu sau khi được tạo hình mà cơ vòng hậu môn co thắt yếu, bệnh nhân sẽ đi cầu không tự chủ và coi như cuộc phẫu thuật là thất bại.
Bình luận