Đó là câu chuyện của cô gái tên Tiền Duyệt, một nữ giáo viên tiểu học 26 tuổi ở thành phố Hàng Châu, tỉnh Chiết Giang, Trung Quốc. Chỉ trong vòng 3 năm, cô Tiền đã vay mượn số tiền lên tới cả triệu tệ (gần 4 tỷ đồng) để mua sắm đồ hiệu như mỹ phẩm, túi xách, giày dép và quần áo hàng hiệu... Điều đáng nói là dù đã lâm vào cảnh nợ nần ngập đầu thì nữ giáo viên này vẫn không hề có dấu hiệu muốn ngừng việc mua sắm lại.
Các hóa đơn nợ nần cứ thế ngày một dày lên, cho đến khi mẹ của Tiền Duyệt phát hiện và tá hỏa với khoản nợ khổng lồ vượt quá khả năng chi trả của cô và gia đình. Bà quyết tâm đưa con gái đi khám tâm lý tại một bệnh viện tại Hàng Châu.
Ban đầu, các bác sĩ chỉ nghĩ rằng cô Tiền mắc chứng "nghiện mua sắm", không ngờ đằng sau đó còn có những vấn đề phức tạp hơn. Sau khi làm các xét nghiệm tâm lý và một vài bài test trí não, các bác sĩ đã xác định cô mắc phải chứng rối loạn lưỡng cực, khiến tinh thần luôn lơ lửng giữa hưng cảm và trầm cảm, lúc lên lúc xuống như một chiếc tàu lượn siêu tốc.
Chứng rối loạn lưỡng cực của cô Tiền đã đến giai đoạn gọi là lưỡng cực hưng cảm (khiến tâm trạng dễ bị hưng phấn, kích động và mất kiểm soát) - đây là nguyên nhân chính khiến cô lao vào mua sắm bất chấp khả năng tài chính để thỏa mãn "khoái cảm" của bản thân.
Bác sĩ Chương, người điều trị chính cho Tiền Duyệt cho biết: "Triệu chứng của cô Tiền không chỉ là chứng nghiện mua sắm mà còn là dấu hiệu của bệnh tâm thần, nếu để lâu sẽ chuyển biến nặng nên cần chữa trị càng sớm càng tốt".
Rất may là sau thời gian dùng thuốc và điều trị với bác sĩ tâm lý thì tình trạng của Tiền Duyệt đã đỡ hơn, mẹ cô cho biết sẽ phải "kiểm tra" thường xuyên hơn tình hình tiêu pha của cô để tránh đi vào vết xe đổ lần nữa.
Chia sẻ về quãng thời gian "điên cuồng" mua sắm của mình, Tiền Duyệt vẫn hưng phấn chia sẻ lại cảm giác lần đầu mua một món hàng hiệu. "Sau khi mua chiếc túi hàng hiệu ấy, tôi sung sướng đến nỗi không ngủ được và khi đeo nó, tôi cảm thấy bản thân tỏa sáng rực rỡ như một ngôi sao sành điệu", Tiền Duyệt kể lại.
Tiền Duyệt còn chơi với những người bạn nhà rất giàu có, thường xuyên đi mua sắm những món đồ đắt đỏ, đây cũng là một trong những nguyên nhân ảnh hưởng tới tâm lý của cô. Kể từ sau ngày mua chiếc túi "định mệnh" đó, nữ giáo viên 26 tuổi bắt đầu thích cảm giác được mua sắm, mê mẩn cảm giác làm "người thượng lưu". Chẳng bao lâu, cô đã tiêu sạch số tiền tiết kiệm của mình và bắt đầu tiêu lạm vào hàng loạt thẻ tín dụng, thẻ ghi nợ rồi vay mượn bạn bè cho đến ngày món nợ phình lên cả triệu tệ.
Bình luận