Mới đây, Mark Zuckerberg - CEO của Facebook - công bố quyết định chính thức đổi tên công ty thành Meta Platforms Inc., gọi tắt là Meta. Nhiều người không khỏi tò mò về ý nghĩa của tên gọi mới này. Meta thực tế được bắt nguồn từ metaverse - thuật ngữ chỉ "đa vũ trụ ảo" - một trào lưu trong công nghệ và kinh doanh hiện nay. Vậy metaverse chính xác là gì và hoạt động ra sao?
Metaverse lần đầu được nhắc tới trong tiểu thuyết khoa học viễn tưởng "Snow Crash" của nhà văn người Mỹ Neal Stephenson xuất bản năm 1992. Đây được hiểu là "một vũ trụ do máy tính tạo ra", tồn tại song song với thế giới thực. Tại thế giới ảo này, mọi người đều có nhân vật đại diện thay thế.
Hiểu theo nghĩa đen, Meta nghĩa là "vượt ra ngoài”, còn Verse là viết tắt của từ Universe là "vũ trụ". Do đó, Metaverse có thể hiểu đơn giản là một thế giới nằm ngoài vũ trụ thực. Trong thế giới mở này, người tham gia có thể xây dựng và sống trong đó với nhiều hoạt động như kết nối, gặp gỡ, làm việc, giải trí, sử dụng tai nghe thực tế ảo, kính thực tế tăng cường, ứng dụng điện thoại thông minh hoặc các thiết bị khác.
Theo Victoria Petrock, một nhà phân tích công nghệ nổi tiếng, metaverse cũng sẽ kết hợp các khía cạnh khác của cuộc sống trực tuyến như mua sắm và mạng xã hội.
"Đó là bước phát triển tiếp theo của sự kết nối, nơi tất cả mọi thứ được kết hợp với nhau trong một vũ trụ song song liền mạch, vì vậy bạn đang sống cuộc sống ảo của mình giống như cách bạn đang sống cuộc sống vật chất của mình", bà nói.
Với metaverse, người dùng có thể đi xem một buổi hòa nhạc ảo, một chuyến dã ngoại trực tuyến, ngắm nhìn hay tạo ra tác phẩm nghệ thuật, mặc thử và mua quần áo kỹ thuật số.
Trong bối cảnh dịch Covid-19, metaverse cũng có thể là một yếu tố thay đổi thời cuộc bởi mọi người không chỉ nhìn thấy nhau qua những cuộc gọi online mà còn có thể cùng tham gia vào một văn phòng ảo.
Theo đó, Facebook đã tung ra phần mềm họp cho các công ty, được gọi là Phòng làm việc Horizon, sử dụng với kính thực tế ảo Oculus VR của mình, dù vậy các đánh giá ban đầu về trải nghiệm này không được tốt.
Kính Oculus VR có giá hơn 300 đô la (gần 7 triệu đồng), khiến nhiều người khó có thể tiếp cận được với những trải nghiệm tiên tiến nhất của metaverse. Đối với những người có đủ khả năng chi trả, họ có thể di chuyển giữa các thế giới ảo do các công ty khác nhau tạo ra thông qua hình đại diện.
Mark Zuckerberg chia sẻ về mô hình mới lạ này: “Rất nhiều trải nghiệm metaverse sẽ có khả năng dịch chuyển từ trải nghiệm này sang trải nghiệm khác".
Các công ty công nghệ hiện vẫn đang tìm cách kết nối các nền tảng trực tuyến của họ với nhau. Điều này sẽ đòi hỏi các nền tảng công nghệ cạnh tranh phải đồng ý về một bộ tiêu chuẩn, vì vậy sẽ không có “những người trong metaverse Facebook và những người khác trong metaverse của Microsoft,” bà Petrock nói.
Mark Zuckerberg đang phát triển mạnh mẽ những gì anh ấy coi là thế hệ tiếp theo của Internet vì nghĩ rằng nó sẽ trở thành một phần quan trọng của nền kinh tế kỹ thuật số.
Các nhà phê bình tự hỏi liệu đây có phải một nỗ lực để đánh lạc hướng khỏi những cuộc khủng hoảng trước đây của công ty như tố giác các nhân viên cũ, lộ dữ liệu người dùng...
Cựu nhân viên Frances Haugen đã cáo buộc các nền tảng của Facebook làm hại trẻ em và kích động bạo lực chính trị sau khi sao chép các tài liệu nghiên cứu nội bộ và chuyển chúng cho Ủy ban Chứng khoán và Giao dịch Hoa Kỳ.
Chúng cũng được cung cấp cho một nhóm các phương tiện truyền thông, bao gồm cả Associated Press, nơi đã đăng tải nhiều câu chuyện về cách Facebook ưu tiên lợi nhuận hơn an toàn và giấu nghiên cứu của riêng mình với các nhà đầu tư và công chúng.
Có nhiều công ty khác thảo luận về metaverse là Microsoft và nhà sản xuất chip Nvidia.
Richard Kerris, Phó chủ tịch nền tảng Omniverse của Nvidia cho hay: “Chúng tôi nghĩ rằng sẽ có rất nhiều công ty xây dựng thế giới ảo và môi trường trong metaverse, theo cách tương tự như vậy, có rất nhiều công ty đang làm mọi thứ trên World Wide Web.
Điều quan trọng là phải mở rộng chúng, để bạn có thể dịch chuyển đến các thế giới khác nhau cho dù đó là của công ty này hay công ty khác, giống như cách tôi đi từ trang web này sang trang web khác."
Epic Games - công ty đứng sau trò chơi điện tử Fortnite nổi tiếng - đã huy động được 1 tỷ đô la từ các nhà đầu tư để giúp thực hiện các kế hoạch dài hạn trong việc xây dựng metaverse. Nền tảng trò chơi Roblox vạch ra tầm nhìn về metaverse như một nơi "mọi người có thể đến với nhau trong hàng triệu trải nghiệm 3D để học tập, giải trí, làm việc, sáng tạo"
Các thương hiệu tiêu dùng cũng đang cố gắng bắt kịp xu hướng. Hãng thời trang Ý Gucci đã hợp tác với Roblox vào tháng 6 để cho ra mắt một bộ sưu tập các phụ kiện chỉ dành cho kỹ thuật số. Coca Cola và Clinique đã bán các token kỹ thuật số được quảng cáo như một bước đệm cho metaverse.
Nền tảng công nghệ Facebook vốn sở hữu tài khoản, ảnh, bài đăng và danh sách phát của mọi người. Vì vậy, khi Facebook được nâng tầm lên vũ trụ ảo metaverse thì nỗi lo về bảo mật trong một thế giới vụ trụ đa chiều cũng sẽ lớn hơn.
Nhà đầu tư Steve Jang, một đối tác quản lý của Kindred Ventures cho hay: “Chúng tôi muốn di chuyển trên Internet một cách dễ dàng mà không bị theo dõi và giám sát".
Bà Petrock bày tỏ sự lo ngại về việc Facebook đang cố gắng dẫn đầu vào một thế giới ảo có thể yêu cầu nhiều dữ liệu cá nhân hơn, tiềm ẩn nhiều nguy cơ lạm dụng và thông tin sai lệch hơn khi nó chưa khắc phục được những vấn đề hiện có trong các nền tảng hiện tại của mình.
Bình luận