Người dân được phép đốt những loại pháo hoa nào?

Thu Trần Đăng lúc: Chủ nhật, 29/11/2020 14:36 (GMT +7)
Nghị định 137/2020 cho phép người dân sử dụng pháo hoa không gây tiếng nổ. Còn các loại chứa thuốc pháo nổ vẫn bị cấm mua bán, sử dụng.

Vừa qua, Chính phủ đã ban hành Nghị định 137/2020 về quản lý, sử dụng pháo, có hiệu lực thi hành từ ngày 11/1/2021. Trong đó, có nội dung về quy định các trường hợp được sử dụng pháo hoa.

Cụ thể, ở Điều 17 của Nghị định 137/2020 cho phép cơ quan, tổ chức, cá nhân có năng lực hành vi dân sự đầy đủ ược sử dụng pháo hoa trong các dịp lễ, Tết, sinh nhật, cưới hỏi, hội nghị, khai trương, ngày kỷ niệm và trong hoạt động văn hóa, nghệ thuật.

Theo đó, pháo hoa được sử dụng là loại tạo ra các hiệu ứng âm thanh, ánh sáng, màu sắc trong không gian nhưng không được gây ra tiếng nổ.Thêm vào đó, người chỉ được mua pháo hoa tại các tổ chức, doanh nghiệp được cấp phép sản xuất, kinh doanh pháo hoa hẳn hoi, không tự chế, mua hàng trôi nổi.

Loại pháo hoa có tiếng nổ bị cấm sản xuất
Loại pháo hoa có tiếng nổ bị cấm sản xuất

Chia sẻ về vấn đề trên, luật sư Hoàng Trọng Giáp (Giám đốc Công ty luật Hoàng Sa) cho biết Nghị định 137/2020 nhằm thay thế cho Nghị định 36/2009. Trong đó, điểm khác biệt của nghị định mới là cho phép người dân được sử dụng pháo hoa trong một số trường hợp theo nhu cầu cá nhân, như dịp Tết hoặc cưới hỏi, sinh nhật... Đồng thời định nghĩa lại về loại pháo hoa mà người dân được phép sử dụng như đã nêu ở trên.

Nghị định mới cũng nêu rõ người "có năng lực hành vi dân sự đầy đủ" thì được sử dụng pháo hoa. Theo luật sư, Bộ luật Dân sự năm 2015, người có năng lực hành vi dân sự đầy đủ ở đây là người từ đủ 18 tuổi trở lên; không bị mất hoặc hạn chế năng lực hành vi dân sự hoặc không có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi.

Loại pháo hoa không gây tiếng nổ được doanh nghiệp của Bộ Quốc phòng sản xuất
Loại pháo hoa không gây tiếng nổ được doanh nghiệp của Bộ Quốc phòng sản xuất

Tuy nhiên, luật sư Trần Tuấn Anh (Giám đốc Công ty luật Minh Bạch) cho rằng trên thực tế, pháo hoa không gây ra tiếng nổ đã được người dân sử dụng từ lâu nay.

"Một trong số đó là loại pháo bông phụt sáng, thường được sử dụng trong các dịp sinh nhật", luật sư Tuấn Anh nói và cho biết nghị định mới chỉ giúp phân biệt rõ ràng các khái niệm pháo nổ và pháo hoa.

Theo luật sư, các hành vi sản xuất, mua bán, vận chuyển, tàng trữ hay sử dụng pháo nổ và pháo hoa nổ (là loại có chứa thuốc pháo nổ) đều vi phạm pháp luật và có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Còn việc sử dụng pháo hoa không tiếng nổ, theo Nghị định 137/2020 có hiệu lực từ 11/1/2021, thì không vi phạm pháp luật.

Còn luật sư Đặng Văn Cường (Trưởng văn phòng luật Chính Pháp) đánh giá việc đốt pháo hoa trong những ngày Tết, lễ hội… là phong tục, tập quán có từ lâu đời. Do đó, Nghị định 137 chỉ bổ sung quy định cho phép tổ chức, cá nhân được sử dụng pháo hoa rất phù hợp và đảm bảo tính nhân văn.

Tuy nhiên, theo ông Cường, cơ quan chức năng cần xác định rõ loại pháo hoa nào được sử dụng. Bởi lẽ, pháo hoa có thể chứa chất gây nổ, nếu không sử dụng đúng cách sẽ gây mất an toàn cho người dân.

Ngoài ra, luật sư cũng bày tỏ sự lo ngại sau khi mở rộng quy định cho người dân được mua pháo hoa để sử dụng. Bởi sẽ xuất hiện nhiều cơ sở sản xuất, kinh doanh loại sản phẩm này nên cần siết chặt việc quản lý, giám sát, cấp phép cho các tổ chức, doanh nghiệp kinh doanh pháo hoa sau khi nghị định có hiệu lực.

Từ 11/1/2021, người dân được sử dụng pháo hoa trong đám cưới, lễ, sinh nhật Lần cuối cùng người dân được đốt pháo hoa ngày Tết là bao giờ?
Copy URL

Bình luận

Tin đáng chú ý

Chủ đề mới trên 2Đẹp