Mới đây, một người mẹ có tài khoản Facebook là T.N. đã chia sẻ câu chuyện con mình phải nhập viện sau khi đi chơi tại nhà tuyết nhân tạọ. Câu chuyện nhanh chóng thu hút sự quan tâm của cư dân mạng.
Theo đó, chị N. chia sẻ rằng con mình khi đến chơi tại khu vui chơi S, nằm trong một trung tâm thương mại lớn tại quận Hà Đông, Hà Nội thì bị bọt tuyết nhỏ xíu chui vào lỗ tai. Vì không hay hay biết nên đến khi bé kêu đau, gia đình mới đưa đi viện để bác sĩ hút ra. Thông qua câu chuyện của con mình, chị N. muốn gửi lời cảnh báo đến các phụ huynh khác để tránh xảy ra tình huống tương tự.
Nguyên văn chia sẻ của chị T.N. như sau:
"Góc cảnh báo. Khu vui chơi S. quá nguy hiểm với bọt biển (hoặc bọt tuyết - PV) bé xíu nhẹ tênh cứ bám hút dính vào quần áo, vào người. Bé nhà mình 4 tuổi bị cái bọt biển nhỏ xíu chui vào tai nhưng vì cháu mải chơi nên tối về đi ngủ mới kêu đau. 12h đêm mẹ con còn đưa nhau vào bệnh viện để nhờ bác sĩ hút ra.
Bác sĩ cũng kể có cháu còn bị chui vào mũi cơ. Quá nguy hiểm nên các gia đình có con nhỏ nên cân nhắc trước khi cho vào khu đó chơi".
Sau khi đăng tải, bài chia sẻ của chị N. lập tức nhận được rất nhiều sự chú ý của cư dân mạng, đặc biệt là các bà mẹ có con nhỏ. Tình cờ, bên dưới phần bình luận, nhiều bà mẹ khác cũng cho biết rằng con của họ trong lúc vui chơi cũng từng bị thứ bọt tuyết kia chui vào mũi, tai và phải đến bác sĩ để gắp hoặc hút ra.
Trước đó, vào tháng 10/2020, một người mẹ khác cũng cho biết các con của chị cũng bị dính tuyết vào quần áo, tóc khi vui chơi tại trung tâm thương mại nói trên. Sau khi về nhà, trong lúc tắm cho con thì chị phát hiện dưới sàn nhà tắm là những hạt tuyết đã nở to, trong veo, giống với hạt hút ẩm trong bỉm của trẻ em.
Điều này khiến các bậc phụ huynh cảm thấy vô cùng hoang mang vì sự nguy hiểm mà trò chơi nhà tuyết mang lại.
Theo tìm hiểu, tuyết nhân tạo là một loại kết hợp chất hóa học của cơ chế sử dụng tính thấm của nó đối với nước (các phân tử nước xâm nhập vào nó). Vì vậy, khi các phân tử nước tiếp xúc với polymer, sự trương nở sẽ xảy ra.
Bột tuyết màu trắng, trong vắt, không tan chảy dù ở nhiệt độ cao, tạo cảm giác mát mẻ. Loại bột tuyết này được cho là an toàn, không độc hại và không gây ô nhiễm môi trường nên được sử dụng để trang trí, tạo bối cảnh phim hoặc dùng trong các khu vui chơi giải trí.
Vì tuyết nhân tạo không tan trong nước, cũng không tan chảy ở nhiệt độ cao nên nó không khác gì một loại dị vật. Vì vậy, khi dị vật này rơi vào trong mũi, tai, họng của bé sẽ vô cùng nguy hiểm, đặc biệt là với trò chơi nhà tuyết. Bởi khi vui đùa, các bé thường thoải mái nghịch, cầm tuyết để ném, đưa tay lên tai, mũi, miệng nên rất dễ mắc dị vật.
Nếu dị vật chui vào tai bé sẽ gây đau, ù tai, suy giảm hoặc mất thính lực, ngứa ngáy hoặc chảy máu trong tai, chóng mặt... Còn nếu chui mũi, dị vật sẽ khiến bé cảm thấy khó thở, chảy nước mũi, chảy máu... Trẻ bị mắc dị vật ở họng thì sẽ xuất hiện những dấu hiệu như ho sặc sụa, dữ dội, khó thở, tím tái, một số trẻ có biểu hiện kèm theo là hoảng loạn, kích động.
Vì vậy, các bác sĩ khuyến cáo nếu trẻ mắc dị vật ở tai, mũi, họng, phụ huynh nên đưa con đến cơ sở y tế để xử lý kịp thời, tranh gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm như: Viêm tai, tổn thương màng nhĩ, viêm mũi, viêm phổi, thậm chí ngạt thở.
Đồng thời, bố mẹ nên đeo bịt tai hoặc khẩu trang cho bé khi cho trẻ đi chơi tại những khu vui chơi có bọt tuyết, luôn quan sát, trông nom con thật kỹ càng, thay quần áo và tắm gội sạch sẽ cho bé sau khi về nhà.
Bình luận