Cứ sáng sớm, bà Nguyễn Thị Ba, 72 tuổi, ngụ tại thành phố Thủ Dầu Một, Bình Dương lại ra khỏi căn nhà trọ để đi bán vé số. Đến chiều muộn, sau khi bán xong, bà lại đến khu lớp học tình thương phường Phú Cường để dạy chữ cho đám trẻ nghèo, lang thang cơ nhỡ, thiếu cha thiếu mẹ.
Bà Ba từng là một giáo viên tiểu học. Năm 1968, bà Ba theo học trường Sư phạm Sài Gòn. Sau khi ra trường, bà được phân công về dạy ở trường tiểu học Tương Bình Hiệp, Bình Dương và về hưu năm 2003. Lương hưu không đủ sống, hoàn cảnh riêng nhiều nỗi niềm, bà Ba lên Sài Gòn thuê trọ, sống neo đơn một mình, bán thêm vé số mưu sinh. Trên những con đường bà đi bán vé số, bà gặp nhiều "đồng nghiệp" trẻ con bỏ học hoặc chưa từng được đi học. Chứng kiến những đứa trẻ phải ra đường quá sớm, tương lai mù mịt vì không biết chữ, bà Ba không cầm lòng. Bà Ba tìm cách giúp đỡ bọn trẻ bằng cách xin mở một lớp học tình thương và gom chúng lại để dạy chữ. Cho đến nay, bà Ba đã đứng lớp tình thương được 5 năm.
Chiều chiều, sau một ngày đi bộ bán vé số mệt nhoài, bà Ba lại đi bộ 2 cây số đến lớp học. Bà luôn có mặt sớm hơn 1 tiếng để chuẩn bị bài vở. Lớp học thường kết thúc tầm 7h tối. Trên đường về nhà trọ, bà cũng tranh thủ đi mời khách vé số.
Lớp học của bà hiện tại có 19 học sinh từ 10 đến tận 33 tuổi, được bà chia theo cấp độ từ lớp 1 đến lớp 5. Mỗi đứa trẻ có hoàn cảnh khác nhau nhưng đặc điểm chung là thất học và khao khát được học.
Bà Ba tâm sự: "Nhiều em không có cha mẹ, chỉ sống với ông bà nên phải nghỉ học sớm để phụ ông bà. Buổi chiều tối đáng ra là lúc các em quây quần bên mâm cơm cùng gia đình, nhưng vì hoàn cảnh nên các em phải đến lớp học tình thương kiếm chữ, nhìn thương lắm".
Có rất nhiều mạnh thường quân sau khi biết đến lớp học tình thương của bà Ba đều tìm đến tặng bà và các em học sinh lương thực, có khi tự nấu bún, nấu cơm mang đến để các em ăn lót dạ sau một ngày đi bán vé số, có sức mà học tiếp.
Mỗi tháng bà giáo dư khoảng 3 triệu đồng từ bán vé số. Một nửa số tiền bà dành mua gạo, sữa, đường và dụng cụ học tập để "nuôi" lớp học tình thương. Nửa còn lại bà để trang trải chi phí sinh hoạt hàng ngày.
"Cuộc đời cô có nhiều nỗi buồn nhưng từ ngày có lớp học, có các em học sinh khiến cô yêu đời hơn nên cô sẽ gắn bó đến khi nào không còn sức làm nữa", bà Ba tâm sự.
Bình luận