Đối với mọi loài động vật, giao phối là biện pháp duy trì nòi giống tự nhiên, giúp các loài xây dựng xã hội của riêng chúng. Loài nhện không chỉ đơn thuần giao phối giữa những con khác giới tính, chúng cũng có tư duy “quyến rũ” nhau giống như con người, sử dụng các chiêu trò thu hút bạn tình hàng giờ đồng hồ.
Loài người là động vật bậc cao nhất, tất nhiên cũng đi kèm với ý thức bậc cao nhất. Tuy thế, người cũng có lúc hành động theo bản năng và mất đi năng lực tư duy đạo đức. Thể chế xã hội loài người sẽ trừng phạt những cá nhân vi phạm đạo đức bằng hệ thống luật được gây dựng. Xã hội của loài nhện, hiển nhiên không có luật pháp cứng rắn như chúng ta, những hành vi đối với người là “vi phạm pháp luật, trái đạo đức”, lại trở thành điều tự nhiên ở loài nhện.
Giả như con người sau khi quan hệ, họ sẽ có cảm giác đói. Khi đó, người sẽ tìm kiếm thức ăn để lấp đầy bụng. Nhưng nhện cái không muốn mất thời gian như vậy, chúng ăn luôn bạn tình ngay sau khi giao phối.
Do đó, dù rất muốn giao phối, nhện đực tỏ ra ái ngại và phải suy nghĩ nhiều mánh khoé để tránh bị bạn tình ăn thịt. Một trong những mánh phổ biến của nhện đực là mang “quà tặng” tới dụ dỗ nàng nhện. Tất nhiên, quà tặng có thể ăn được, như vậy nhện cái được lấp đầy bụng mà không cần ăn thịt con đực.
Những con đực thuộc loài nhện Pisauridae có vẻ rất quen với mánh này. Chúng tỏ ra ranh mãnh khi tìm cách “lừa” nhện cái để được giao phối. Đôi khi, chúng mang quà tặng được bọc bằng tơ nhện, khiến con cái tưởng sẽ được ăn ngon sau khi giao phối, dù bên trong trống không.
Nhện cái cũng không thể bị lừa mãi như vậy. Có lẽ các nàng được mẹ nhện dạy về điều đó. Chúng cẩn thận kiểm tra quà bằng cách lắc lắc cái bọc, nếu bọc nhẹ bẫng thì nàng ta vẫn giao phối như thường, sau đó dù không ăn được quà, chúng vẫn có thể ăn con đực.
Tuy vậy, cuộc chiến cân não chưa dừng lại ở đó. Đôi khi, nhện cái đã kiểm tra quà tặng, sau khi cất công xé “vỏ hộp quà”, chúng lại phát hiện ra món quà chỉ là xác côn trùng rỗng hoặc… phân nhện bỏ vào.
Cũng có trường hợp con đực sẽ ăn con cái sau khi giao phối, chiếm khoảng 20%. Loài nhện đực Micaria sociabilis sẽ nuốt chửng những con nhện cái đã già. Chúng tha cho lớp trẻ bởi khả năng sinh sản của lũ trẻ cao hơn.
Những nàng nhện có vẻ cư xử ác liệt hơn so với nửa kia của mình. Ngay cả khi chúng giao phối đồng thuận, nhện cái có thể ngay tức khắc ăn người bạn tình của nó sau khi xong việc. Vậy nếu như nhện cái không cho phép bạn tình giao phối thì sao?
Nhện đực cũng nhận thức rõ điều đó. Nếu một anh nhện đang “ế” muốn giao phối, chúng tìm mọi cách để quyến rũ những bạn nhện nữ. Có thể là biện pháp khoe thân như giơ càng, giơ chân, hoặc chúng bắt chước những con nhện đực thành công khác.
Tuy nhiên, không phải anh nhện nào cũng đủ thu hút để lay động bạn tình. Nếu không “tán” được, nhện ta sẽ cưỡng ép bạn tình của nó. Điều này chỉ có ở một số loài nhện, bởi nhện cái có ưu thế lớn về kích cỡ cơ thể. Dù muốn cưỡng ép, không phải con đực ở bất kỳ loài nhện nào cũng có thể cưỡng ép bạn tình.
Một số nhện đực ở loài khác có thể làm được điều đó. Nhưng rất nguy hiểm. Liệu nhện cái có nổi giận ăn thịt đối phương khi phát hiện ra ý đồ của chúng hay không? Hiển nhiên, nhện đực ma mãnh sẽ lại tìm cách tránh bị ăn thịt trước khi nhện cái phát hiện ra chúng.
Trong một nghiên cứu về hành vi giao phối của loài nhện T. fabricii, các nhà nghiên cứu nhận thấy nhện đực tự vệ bằng cách trói nhện cái trước khi tiếp cận thực hiện hành vi giao phối. Chúng cắn vào chân đối phương. Sau đó nhện cái rụt chân lại tự vệ theo phản xạ, và trở nên bất động. Các nhà nghiên cứu chưa thực sự rõ phản ứng “bất động” của nhện cái là biểu hiện của sự chấp nhận con đực, hay chúng thật sự bị thương và không thể cử động. Có 11% trường hợp chiến thuật của nhện đực không thành công, và chúng sẽ bị ăn thịt trước khi có thể giao phối.
89% còn lại, những chàng nhện may mắn chớp thời cơ trèo lên cơ thể nhện cái, nhanh chân trói chặt nhện cái trước khi thụ tinh. Xong việc, chúng cũng nhanh chân chạy trước khi nhện cái tự thoát ra khỏi đống tơ trói. Điều này cũng giúp cho nhện đực tránh bị bạn tình ăn thịt. Dù không cần cưỡng ép, một số nhện đực vẫn trói bạn tình để tránh không bị ăn thịt sau khi giao phối.
Những con nhện cái được trời cho có ưu thế về kích cỡ và sức mạnh. Trong khi đó, nhện đực yếu thế hơn có vẻ lại được bù đắp bằng trí tuệ. Không chỉ có những hành vi giao phối kỳ lạ, loài nhện cũng có lối cư xử khác thường trong nhiều hành vi khác. Chúng có vẻ biết suy nghĩ, tận dụng nhiều chiêu trò để lừa những con nhện khác.
Bình luận