Dòng chảy lịch sử phát triển thịnh suy của giày cao gót

Lâm Nguyễn Đăng lúc: Thứ bảy, 12/06/2021 09:00 (GMT +7)
Trước khi trở thành phụ kiện thời trang phổ biến dành cho phụ nữ, giày cao gót từng trải qua quá trình phát triển đầy thăng trầm trong lịch sử.
Hashtag #Lịch sử thời trang #Phụ kiện thời trang #BEAUTORY #Thời trang

Ngày nay, giày cao gót được xem là phụ kiện phổ biến dành cho phái nữ. Tuy nhiên ít ai biết rằng ban đầu giày cao gót vốn được sản xuất cho đàn ông như một cách thể hiện địa vị xã hội. Cùng nhìn lại quá trình phát triển của giày cao gót xuyên suốt lịch sử cho tới thời điểm hiện tại.

1500s

Giày cao gót ban đầu được sáng tạo với tính thực dụng. Những người lính Ba Tư đã phát minh ra loại giày này nhằm giúp chân của họ có được sự thăng bằng tốt và dễ dàng hơn ở trong kiềng khi cưỡi ngựa, khiến họ có thể bắn mũi tên một cách chuẩn xác.

Dòng chảy lịch sử phát triển thịnh suy của giày cao gót - Ảnh 1

Giày cao gót nhanh chóng trở thành một phụ kiện tiêu chuẩn của những người cưỡi ngựa xứ Ba Tư. Thậm chí họ còn mang giày hàng ngày như cách để khoe mẽ, phô trương quyền lực của mình, bởi chỉ có những người giàu có và quyền lực mới sở hữu ngựa. 

Sau đó, những đôi giày có gót được du nhập tới châu Âu. Tầng lớp quý tộc châu Âu lúc bấy giờ cũng coi giày cao gót là biểu tượng của sự quyền lực và nam tính. Thậm chí họ còn cho rằng gót giày càng cao thì địa vị của người mang càng lớn mạnh. 

Hình ảnh một đôi giày cao gót dành cho nam giới trong lịch sử
Hình ảnh một đôi giày cao gót dành cho nam giới trong lịch sử

Phụ nữ cũng bắt đầu sử dụng giày cao gót với lí do bảo vệ chân. Những đôi giày cao gót của phụ nữ thường được gọi là "chopines" và được sử dụng làm "giày ngoài" để che chắn những đôi giày mắc tiền khác khỏi bụi bẩn. 

Một đôi chopines có từ thế kỉ 16
Một đôi chopines có từ thế kỉ 16

Có một điều thú vị là vào thời điểm đó, giày cao gót vô cùng phổ biến với giới mại dâm. Những đôi giày này khá cao, lên tới 20 inch. Hãy biết rằng giày cao gót trung bình của các vũ nữ thoát y hiện nay - vốn được xem là rất cao và khó mang - cũng chỉ có 7 inch mà thôi. 

1600s

Vua Louis XIV của Pháp là một trong những người đi giày cao gót nổi tiếng nhất trong giai đoạn này. Với chiều cao 5ft4 (khoảng 1m64), ông sử dụng giày cao gót để giúp mình trông cao hơn và quyền lực hơn trước tòa. Ông thậm chí còn thông qua một điều luật rằng chỉ có những người thuộc tầng lớp quyền quý mới được đi giày cao gót nhằm đảm bảo sự uy tín của kiểu giày này.

Gót giày của vua Louis XIV thường được nhuộm đỏ - màu sắc nhấn mạnh địa vị xã hội cao cấp nhất của ông. Vị Hoàng đế này cũng ban hành một luật định cấm tất cả mọi người không được mang giày đế đỏ vào tòa án của mình. Đây chính là nguồn cảm hứng để nhà thiết kế giày dép nổi tiếng người Pháp Christian Louboutin tạo nên đôi giày đế đỏ nổi tiếng.

Giày cao gót đế đỏ của vua Louis XIV
Giày cao gót đế đỏ của vua Louis XIV

1700s

Sang tới thế kỉ 18, sự phân biệt giới tính qua các thiết kế giày cao gót càng được thể hiện rõ rệt. Gót giày của phụ nữ trở nên rộng và chắc chắn hơn, trong khi đó gót giày của phụ nữ lại trở nên cao, hẹp, và mỏng manh hơn. Trên thực tế, vào khoảng những năm 1730, nam giới đã bắt đầu ngừng sử dụng những đôi giày cao gót vì tính nữ được gán cho phụ kiện này.

Cuộc cách mạng Pháp chống lại tầng lớp quý tộc năm 1789 đã đánh dấu chấm hết cho việc hoàng gia sử dụng giày cao cho nam giới. Điều này cũng dẫn tới sự chán ghét giày cao gót của những người đàn ông khác do không muốn dính líu tới hoàng gia và mọi thứ liên quan đến nó.

1800s

Vào thời kì của nữ hoàng Victoria, giày cao gót đã trở lại và dành cho phái nữ. Lúc bấy giờ, nó được coi là một loại giày đầy nữ tính, là biểu tượng cho sự tinh tế và mềm mại của phụ nữ. Năm 1846, máy khâu ra đời, giúp phần trên của giày có thể được khâu gọn gàng vào đế, khiến mu bàn chân cong nhẹ lên và càng thể hiện được sự nữ tính. 

Sự ra đời của máy khâu đã đưa thiết kế của giày cao gót lên một tầm cao mới
Sự ra đời của máy khâu đã đưa thiết kế của giày cao gót lên một tầm cao mới

Các phương tiện truyền thông cũng có vai trò quan trọng trong việc định hình phong cách thời trang của phụ nữ thời đó với "Bưu thiếp Pháp" (những tấm bưu thiếp có hình ảnh một người phụ nữ khỏa thân, tạo dáng như một bức tượng cổ điển, chân mang giày cao gót). Điều này càng khiến người ta tin rằng giày cao gót thật quyến rũ và thời thượng. Kiểu giày được ưa chuộng nhất là những đôi có gót khối vuông, ngắn, với chiều cao 2 inch.

1900s

Những phong trào đấu tranh đòi quyền phụ nữ liên tục nổ ra, khiến cho gót giày phẳng hơn bởi nhu cầu về độ thoải mái tăng cao. Phần lớn gót giày vẫn cao dưới 2 inch cho đến những năm 1920 - giai đoạn thời trang đề cao sự sáng tạo và chủ nghĩa cá nhân. 

Tuy nhiên, cuộc Đại suy thoái kinh tế vào những năm 1930 và Thế chiến II đã khiến cho mức độ phổ biến của giày cao gót giảm mạnh, bởi người ta cần những đôi giày thấp, rộng và thiết thực hơn. Thời trang cao cấp và xa xỉ là mối quan tâm xa vời nhất vào lúc bấy giờ.

Cho tới những năm 1950, các nhà thiết kế thời trang, ví dụ như Christian Dior, đã đem giày cao gót trở lại trên thị trường. Họ đã có công trong việc hình thành nên một ngành công nghiệp thời trang, đã và đang phát triển mạnh mẽ cho đến ngày nay.

Dòng chảy lịch sử phát triển thịnh suy của giày cao gót - Ảnh 6

Giày gót nhọn là thành quả của sự hợp tác giữa Dior và Roger Vivier, một nhà thiết kế giày người Pháp. Từ đó, các thiết kế giày gót nhọn liên tục xuất hiện tại những cửa hàng thời trang, và được các minh tinh màn bạc Hollywood như Marilyn Monroe và Audrey Hepburn ưa chuộng. Có thể nói rằng giày gót nhọn đã thống trị thị trường thời trang giày dép nữ trong suốt những năm 1960.

Giày gót cao đế đỏ đình đám của Louboutin
Giày gót cao đế đỏ đình đám của Louboutin

Những năm 1970 đánh dấu sự kết thúc của kỷ nguyên hưng thịnh của giày gót nhọn, nhường chỗ cho những đôi giày cao đế thô, được cả nam và nữ sử dụng. Thế nhưng các nhà thiết kế giày nổi tiếng như Manolo Blahnik đã lại một lần nữa khiến giày cao gót trở nên phổ biến vào những năm 1980 và 1990, khiến chúng trở thành một trong các phụ kiện thời trang không thể thiếu trên sàn catwalk cũng như là tủ giày của mọi phụ nữ.

Hiện tại

Ngày nay, giày cao gót có nhiều kiểu dáng phong phú cùng các chất liệu khác nhau. Nó được xem là một phụ kiện thời trang nữ tính, không còn quá đắt đỏ, độc quyền hay cao quý như trong quá khứ. 

Dòng chảy lịch sử phát triển thịnh suy của giày cao gót - Ảnh 8

Biểu tượng giày cao gót cùng quá trình phát triển thịnh suy trong lịch sử đại diện cho nhiều giá trị khác biệt của từng thời kì, từ nam tính và quyền lực cho đến uy tín và quý tộc, rồi lại đến vẻ đẹp nữ tính và sự hấp dẫn giới tính.

Chiêm ngưỡng 7 bộ trang phục đắt giá nhất trong lịch sử phim ảnh Lịch sử logo của những thương hiệu thời trang hàng đầu Bật mí quan điểm về vẻ đẹp của phương Tây thông qua lịch sử corset và nội y định dáng Áo dài Việt Nam: Lịch sử hình thành và quá trình phát triển Trào lưu nghệ thuật Pop Art và cuộc cách mạng thời trang thế giới
Copy URL

Bình luận

Tin đáng chú ý

Chủ đề mới trên 2Đẹp