Tết Đoan Ngọ ở 3 miền Bắc - Trung - Nam khác nhau như thế nào?

Huyền Nguyễn Đăng lúc: Thứ hai, 14/06/2021 08:49 (GMT +7)
Theo quan niệm dân gian, ngày mùng 5/5 Âm lịch là Tết Đoan Ngọ và ở mỗi vùng miền, ngày Tết này lại có những nét văn hóa khác nhau.
Hashtag #Tết Đoan ngọ #LIFESTYLE #Ăn sung uống sướng

Mặc dù ở nhiều quốc gia Đông Á như: Trung Quốc, Triều Tiên, Nhật Bản đều có Tết Đoan Ngọ nhưng riêng Việt Nam, ngày Tết này lại mang một nét đẹp văn hóa đặc biệt, gắn liền với nền văn minh lúa nước. Sau Tết Nguyên Đán, dịp Tết Đoan Ngọ là dịp để các thành viên trong gia đình sum họp, quây quần, cùng nhau thưởng thức những món ăn đặc trưng.

 

Tết Đoan Ngọ hay còn được gọi là Tết Đoan Dương, Tết giết sâu bọ.
Tết Đoan Ngọ hay còn được gọi là Tết Đoan Dương, Tết giết sâu bọ.

Tết Đoan Ngọ và sự khác biệt giữa 3 miền Bắc - Trung - Nam

Theo truyền thống, Tết Đoan Ngọ của mỗi vùng miền đều có những điểm khác nhau. Tùy theo điều kiện mà gia chủ có thể thực hiện những mâm cúng gia tiên, ngoài trời hoặc đơn giản là dâng hương hoa và trái cây. 

Truyền thống ăn Tết Đoan Ngọ ở các tỉnh phía Bắc

Những người xưa cho rằng, bộ phận tiêu hóa của con người thường có những loài ký sinh, sâu bọ gây hại nằm sâu trong ổ bụng. Ngày mùng 5/5 Âm lịch là thời điểm những loài này ngoi lên. Vì vậy, con người có thể loại bỏ chúng bằng cách ăn cơm rượu nếp hoặc những trái cây có vị chua như: mận, vải, xoài... ngay khi thức dậy. 

Người dân miền Bắc thường ăn cơm rượu nếp ngay khi thức dậy.
Người dân miền Bắc thường ăn cơm rượu nếp ngay khi thức dậy.

Ngoài ra, ở một số vùng phía Bắc còn có tục nhuộm móng chân, móng tay cho trẻ em, tục treo ngải cứu để trừ tà, tục khảo cây lấy quả... Đối với những em bé chưa biết đi thì được lấy một ít vôi quệt vào thóp, ngực, rốn với mong muốn chúng sẽ không bị đau bụng, nhức đầu. Tuy nhiên, phần lớn các tục lệ này hiện nay đều bị bãi bỏ, trừ tục đi hái lá thuốc và tắm nước lá ở một số nơi. 

Trái cây có vị chua có tác dụng diệt trừ 'sâu bọ' trong cơ thể.
Trái cây có vị chua có tác dụng diệt trừ "sâu bọ" trong cơ thể.

Truyền thống ăn Tết Đoan Ngọ ở các tỉnh miền Trung

Người dân miền Trung coi Tết Đoan Ngọ là ngày sum họp gia đình và thường bày biện những món ăn ngon, linh đình. Giải thích về điều này, miền Trung là nơi có thiên nhiên khắc nghiệt, thường xuyên xảy ra mưa bão. Vì vậy, vào ngày 5/5 Âm lịch hàng năm, các gia đình thường bày biện mâm cúng để mong cầu sự bình yên, mùa màng bội thu. 

Thịt vịt là món ăn không thể thiếu trong mâm cơm cúng Tết Đoan ngọ của người dân miền Trung. - Ảnh: bth_sisters
Thịt vịt là món ăn không thể thiếu trong mâm cơm cúng Tết Đoan ngọ của người dân miền Trung. - Ảnh: bth_sisters

Trên mâm cơm cúng ở các tỉnh từ Thanh Hóa đến Thừa Thiên - Huế thì không thể thiếu thịt vịt. Trong ngày này, thời tiết trở nên oi bức, nóng nực, thịt vịt có tính hàn, sẽ giúp cơ thể cân bằng. Ngoài ra, nhiều người cho biết thịt vịt sau ngày 5/5 Âm lịch sẽ ngon, béo và không bị hôi. Bên cạnh đó, ở Huế, chè kê cũng là một món ăn phổ biến trong dịp Tết Đoan Ngọ. Những hạt kê vàng, mẩy tròn được ngâm nở, đun sôi đến khi mềm rồi bỏ thêm đường, nước gừng, vừa giúp diệt sâu bọ, vừa ngon miệng. 

Chè kê được ăn cùng nước đường gừng và bánh tráng mè.
Chè kê được ăn cùng nước đường gừng và bánh tráng mè.

Từ Đà Nẵng vào đến Quảng Ngãi, một số gia đình sẽ nấu xôi chè để cúng Tết Đoan Ngọ. Những nhà nào có trồng cây ăn quả thì cho trẻ nhỏ vào tận vườn hái ăn. 

Truyền thống ăn Tết Đoan Ngọ ở các tỉnh phía Nam

Không chỉ xuất hiện trong ngày ông Công ông Táo, chè trôi nước là một trong những món ăn được người dân miền Nam thưởng thức trong ngày Tết Đoan Ngọ. Những viên chè được bọc bởi bột nếp mềm dẻo, bên trong là đậu xanh thơm ngọt. Sau khi cúng xong, cả nhà sẽ cùng quây quần bên mâm cơm để thưởng thức món ăn đơn giản mà lại say đắm lòng người này. 

Chè trôi nước là món ăn quen thuộc trong ngày 5/5 Âm lịch.
Chè trôi nước là món ăn quen thuộc trong ngày 5/5 Âm lịch.

Bên cạnh đó, ở một số nơi cũng thường nấu cơm rượu nếp. Tuy nhiên, phần cơm rượu không để rời mà được viên thành từng viên nhỏ và ăn kèm cùng xôi vò. Đồng thời, thịt vịt cũng là một món ăn thường xuất hiện tại mâm cơm cúng trong ngày này. 

Rượu nếp và cơm rượu - Ảnh: inoppa_food
Rượu nếp và cơm rượu - Ảnh: inoppa_food

Mặc dù có nhiều nét khác biệt nhưng Tết Đoan Ngọ ở các tỉnh, thành đều có một số điểm tương đồng như: thưởng thức trái cây có vị chua, ăn cơm rượu nếp hoặc ăn bánh tro (bánh gio, bánh ú)... hoặc bày những mâm cơm cúng, mong cầu sự bình yên, hạnh phúc. Sắp đến ngày mùng 5/5 Âm lịch, bạn đã chuẩn bị món ăn nào cho dịp Tết Đoan Ngọ này chưa?

 

Đổi gió cho Tết Hàn thực bằng những đĩa bánh trôi màu sắc, nhìn là muốn ăn 3 loại bánh nhiều người làm dịp tết Hàn Thực bên cạnh bánh trôi bánh chay Tết Hàn thực, ngắm những mẫu bánh trôi, bánh chay đẹp đến chẳng nỡ ăn
Copy URL

Bình luận

Tin đáng chú ý

Chủ đề mới trên 2Đẹp