Bộ LĐTBXH nhận định, hiện thời chính sách cho người tham gia BHXH tự nguyện còn kém hấp dẫn. Theo thống kê, tính đến năm 2020, cả nước chỉ có gần 33,5% lực lượng lao động trong độ tuổi tham gia BHXH. Như vậy, số người trong độ tuổi lao động vẫn chưa tham gia BHXH khoảng 32 triệu người. Theo tinh thần Nghị quyết số 28-NQ/TW, mục tiêu là tới năm 2030 sẽ có khoảng 60% lực lượng lao động trong độ tuổi tham gia BHXH. Nhưng Bộ LĐTBXH nhận định nếu không có những giải pháp căn bản về cả chính sách và công tác tổ chức thực hiện chính sách thì đây là một thách thức rất lớn.
Thống kê của BHXH Việt Nam cho thấy có trên 277 nghìn người tham gia BHXH tự nguyện năm 2018 và được ngân sách nhà nước hỗ trợ gần 42 tỷ đồng. Tới năm 2020, đã có hơn 1,2 triệu người tham gia BHXH tự nguyện và đã được ngân sách nhà nước hỗ trợ 137,6 tỷ đồng. Qua đó có thể thấy, dù số người tham gia BHXH tăng lên gấp nhiều lần nhưng thực tế số người chưa tham gia BHXH tự nguyện vẫn rất lớn.
Một trong những nguyên nhân chưa thu hút được đông đảo hơn nữa số người tham gia BHXH tự nguyện là do chính sách dành cho lao động chưa ưu việt. Hiện thời, những người tham gia chỉ mới được hưởng 2 chế độ là hưu trí và tử tuất, chưa có quyền lợi ngắn hạn (trước mắt). Ngoài ra, người tham gia BHXH tự nguyện mới được ngân sách nhà nước hỗ trợ chỉ thực hiện từ năm 2018, nhưng mức hỗ trợ vẫn còn thấp. Do đó chưa đủ hấp dẫn, cũng như không khuyến khích được người dân tham gia BHXH tự nguyện.
Do đó, Dự thảo Luật BHXH sửa đổi lần này nhằm mở rộng diện tham gia BHXH tự nguyện của lao động nên đã đưa ra nhiều giải pháp, khắc phục hạn chế trên. Trong đó có 4 giải pháp "hút" người tham gia BHXH tự nguyện đã được dự thảo đưa ra. Đó là nhằm đạt được mục tiêu mở rộng độ bao phủ của BHXH tự nguyện, nhà làm luật đã đề xuất bổ sung chế độ thai sản trong BHXH tự nguyện. Cụ thể đối tượng lao động nữ khi tham gia BHXH tự nguyện tới lúc sinh con sẽ được hưởng trợ cấp 2 triệu đồng cho một con mới sinh.
Đồng thời, tất cả đối tượng tham gia BHXH tự nguyện mà chưa có thẻ BHYT sẽ được ngân sách Nhà nước hỗ trợ mua thẻ BHYT. Nhằm tăng tính hấp dẫn, thu hút tạo điều kiện để người dân tham gia BHXH tự nguyện, dự thảo này còn đề xuất tăng mức hỗ trợ ngân sách nhà nước, từ 10% lên 30% đến 50% mức đóng BHXH tự nguyện tính trên thu nhập tháng bằng mức chuẩn nghèo khu vực nông thôn.
Bên cạnh đó, nhằm tạo điều kiện cho người lao động cao tuổi, dù có số năm tham gia BHXH thấp vẫn được thụ hưởng quyền lợi BHXH, nhất là với nhóm đối tượng tham gia BHXH tự nguyện vốn tham gia muộn (số năm tham gia ít), dự thảo đề xuất giảm số năm đóng BHXH tối thiểu từ 20 năm xuống 15 năm để nhóm người này được hưởng chế độ hưu trí. Ngoài ra, dự thảo dự kiến sẽ bỏ giới hạn trần tuổi đối với người tham gia BHXH tự nguyện - hiện đang quy định là từ đủ 60 tuổi trở lên đối với nam và từ đủ 55 tuổi trở lên đối với nữ.
Theo tính toán, ngân sách Nhà nước sẽ phát sinh thêm 49.521 tỷ đồng trong giai đoạn 2024 - 2030 (bình quân mỗi năm 7.074 tỷ đồng) để thực hiện đề xuất trên dự kiến.
Bình luận