Theo thông tin trên cáo phó của tăng đoàn Làng Mai, Thiền sư Thích Nhất Hạnh đã viên tịch tại Tổ đình Từ Hiếu, phường Thủy Xuân, Thành phố Huế lúc 0h ngày 22/1, hưởng thọ 96 tuổi. Rất nhiều phật tử, những người yêu mến vị Thiền sư trên thế giới đã bày tỏ sự tiếc thương với vị thầy đáng kính này.
Thiền sư Thích Nhất Hạnh có thế danh Nguyễn Xuân Bảo, sinh năm Bính Dần 1926 tại làng Thành Trung, huyện Quảng Điền, tỉnh Thừa Thiên Huế. Ông sinh trưởng trong gia đình có 6 anh chị em, ông là con kế út Năm 1942, ông xuất gia tại Tổ đình Từ Hiếu với Thiền sư Thanh Quý Chân Thật, được ban pháp danh Trừng Quang.
Thiền sư Thích Nhất Hạnh là nhà lãnh đạo Phật học có sức ảnh hưởng lớn trên thế giới, đặc biệt là ở phương Tây. Ông được GS.TS John Powers, tác giả cuốn "Thế giới Phật giáo" lựa chọn 1 là trong 13 vị sư góp phần quan trọng vào sự thành hình và phát triển đạo Phật trong suốt 2.500 năm qua trên thế giới.
Bên cạnh tu tập, hoằng dương Phật pháp, ông đồng thời cũng là giảng viên, nhà văn, nhà thơ, nhà hoạt động xã hội, nhà giáo dục nổi tiếng. Theo đó, trong suốt cuộc đời của mình, ông đã để lại cho hậu thế hơn 120 cuốn sách, trong đó có rất nhiều cuốn nổi tiếng như Đường xưa mây trắng, Hạnh phúc cầm tay, Phép lạ của sự tỉnh thức, Phật trong ta... Trong 120 đầu sách đó, có đến 40 cuốn được viết bằng tiếng Anh.
Năm 1966, thiền sư Thích Nhất Hạnh rời Việt Nam và bắt đầu hoằng dương Phật Pháp ở nhiều nước trên thế giới, trong đó nơi gắn bó nhất chính là chùa Làng Mai ở miền Nam nước Pháp. Những bài giảng, sự hướng dẫn tu tập của ông tại đây đã lan toả được tới rất đông những người yêu mến Phật giáo ở nhiều dân tộc trên khắp thế giới.
Sau hơn 40 năm sinh sống ở nước ngoài, thiền sự Thích Nhất Hạnh trở về quê nhà hoằng pháp lần đầu tiên vào năm 2005 và sau đó là vào năm 2007, 2008… Tại Đại lễ Vesak Liên Hợp Quốc tại Hà Nội, thiền sư được mời tham sự với tư cách là người thuyết trình chủ đề chính.
Về tình hình sức khỏe, vào tháng 11/2014, Thiền sư Thích Nhất Hạnh được chẩn đoán là tai biến mạch máu não được đưa sang Mỹ điều trị và phục hồi một cách "kỳ diệu". Đến năm 2017, ông từ Thái Lan về Việt Nam và lưu trú, tịnh dưỡng tại tổ đình Từ Hiếu cho đến khi viên tịch.
Từ khi trở về Việt Nam, ông đã sớm nêu rõ ý nguyện của mình với các đệ tử sau khi qua đời đó là không xây tháp mộ tốn kém và hoả táng rồi lấy tro cốt chia cho các thiền viện Làng Mai trên thế giới và rải trên đường đi thiền hành. "Làm như thế, ngày ngày, thầy và các con vẫn đi thiền hành chung".
Bình luận