Đền Hùng, đồi chè Long Cốc, khoáng nóng Thanh Thuỷ, đầm Ao Châu… là những điểm du lịch đẹp được nhiều người yêu thích khi đến thăm Phú Thọ. Ngoài ra, bạn cũng có thể thưởng thức nhiều món ăn ngon khi đến đất Tổ như bánh tai, trám om kho cá, xáo chuối… và đặc biệt là món thịt chua Thanh Sơn.
Chỉ với nguyên liệu chính là thịt lợn và thính rang, người Mường ở Thanh Sơn đã nghĩ ra cách làm món thịt chua lạ miệng này. Theo nhiều người, món thịt chua được ra đời do nhu cầu cần bảo quản thịt trong thời gian dài của người Mường ở đây. Mỗi dịp mổ lợn, để giữ thịt được lâu, người ta sẽ mang thịt đi muối chua trong các ống tre nứa. Nhờ có hương vị thơm ngon và sau đó, món ăn này nổi tiếng và được biết đến nhiều hơn.
Nguyên liệu và cách làm của món thịt chua Thanh Sơn không khó, thế nhưng để món ăn này chuẩn vị và ngon đúng điệu thì người ta sẽ phải lựa chọn nguyên liệu tỉ mỉ. Đầu tiên, thịt lợn dùng để làm món thịt chua phải là loại lợn mán được nuôi thả tự nhiên và có cân nặng khoảng 15-17kg, nhờ vậy mà thịt sẽ chắc và thơm hơn.
Phần thịt lợn được chọn là loại mông sấn, thịt ba chỉ và nạc vai. Sau khi sơ chế, phần thịt này sẽ được thái thành những miếng mỏng vừa ăn và ướp gia vị. Như mọi món ăn, thịt lợn đã ngon nhưng để cho ra hương vị ngon cần phải chế biến khi thịt càng tươi càng tốt. Theo đó thịt chua muốn ngon phải làm ngay lợn vừa mới mổ, quả thịt còn ấm nóng, tươi nguyên.
Để món thịt chua có mùi thơm và hương vị hấp dẫn, người chế biến sẽ thêm vào nguyên liệu quan trọng là thính gạo. Thính gạo ở đây là hỗn hợp có gạo, ngô và đậu xanh được chuẩn bị theo tỉ lệ nhất định. Thông thường, công đoạn này sẽ được những người cẩn thận và có kinh nghiệm đảm nhiệm vì thính cần đảm bảo không bị cháy, chín đều, thơm và có màu vàng hấp dẫn. Sau khi đã được rang vàng, hỗn hợp này sẽ được mang đi giã hoặc nghiền thành bột mịn để trộn cùng thịt lợn.
Sau khi thịt lợn được tẩm ướp gia vị, rắc thính và trộn đều sẽ được cho vào những ống nứa đã chuẩn bị sẵn, lèn chặt và cho lá ổi lên trên. Những ống nứa này thường được để ở nơi khô ráo, thoáng mát. Sau khoảng 5 đến 7 ngày, phần thịt này sẽ được mang ra ăn, tuy nhiên nếu để trong thời tiết mùa hè, bạn chỉ cần chờ 3 đến 4 ngày là có thể thưởng thức rồi.
Thịt chua Thanh Sơn thường được ăn kèm cùng một số loại lá đặc trưng như lá ổi, đinh lăng, lá sung, lộc vừng, mơ tam thể… Thịt chua sau khi lên men sẽ có màu vàng đẹp mắt và mùi thơm đặc trưng từ thính gạo. Khi ăn, bạn có thể gắp một miếng thịt chua đặt vào các loại lá rồi cuộn lại và mang chấm cùng tương ớt. Những miếng thịt chua có vị chua dịu, bùi bùi kết hợp với vị cay từ tương ớt sẽ mang đến một hương vị độc đáo khiến bạn khó chối từ.
Bình luận