Ngoài những chiếc bánh nhỏ xinh như bánh bột lọc, bánh bèo, bánh ram ít… thì Huế còn có một loại bánh dân dã mang tên bánh khoái. Bánh khoái có nguyên liệu chính là bột gạo và được đổ khuôn dạng hình tròn. Thoạt nhìn, bạn sẽ rất dễ nhầm chiếc bánh này với món bánh xèo nổi tiếng của người miền Nam. Thế nhưng nếu có dịp thưởng thức, bạn sẽ thấy bánh khoái có hương vị hoàn toàn khác biệt.
Người ta đặt tên cho món bánh xèo vì khi đổ bột vào dầu nóng sẽ thấy chảo đổ bánh phát ra những tiếng xèo xèo lớn. Còn với bánh khoái, khi cho bột vào chảo, người làm bánh sẽ thấy khói bốc lên nghi ngút và làm cay mắt nên gọi là bánh khói. Vì tiếng Huế phát âm khói nghe giống khoái nên người ta thường đọc chệch và lâu dần đã tạo thành cái tên như bây giờ. Bên cạnh đó, cũng có nhiều người cho rằng vì món bánh này ngon, một khi đã ăn thì sẽ ăn hết cái này đến cái khác, thế nên từ “khoái” trong tên bánh cũng có nghĩa là “ khoái khẩu”.
Để làm được bánh khoái, người làm bánh sẽ sử dụng một chiếc khuôn gang hình tròn và có tay cầm. Sau khi đổ dầu vào chảo và chờ dầu nóng lên, người ta sẽ đổ một lớp bột vào khuôn. Khi bánh bắt đầu chín vàng, họ sẽ thêm tôm, thịt, chả, trứng, giá… vào một nửa bánh rồi dùng một nửa còn lại úp vào thành hình bán nguyệt.
Khi có khách đến quán, người ta mới bắt đầu làm vì bánh khoái phải dùng nóng mới cảm nhận được hết vị ngon của nó. Trước khi mang ra cho khách thưởng thức, người làm bánh sẽ cắt bánh làm đôi, đặt vào một chiếc đĩa và bê ra cùng rau sống, nước chấm.
Nếu như nước chấm ăn kèm bánh xèo thường là loại nước mắm chua ngọt thì nước chấm bánh khoái thường được biết đến với tên gọi là “nước lèo”. Phần nước lèo này làm từ thịt nạc, bột, gan heo băm nhỏ, tương đậu nành, đậu phông rang… tuỳ vào bí quyết của mỗi quán mà phần nước chấm kèm này sẽ có những hương vị đặc trưng riêng. Sau đó, phần nước chấm này sẽ được mang đun trên lửa nhỏ cho đến khi chuyển sang màu vàng nhạt và sánh lại là được. Rau sống ăn kèm bánh khoái cũng khá đa dạng, nhưng phổ biến nhất vẫn là cải con, rau thơm, xà lách, ớt, chuối chát, trái vả thái lát mỏng…
Khi ăn, thực khách sẽ lấy một miếng bánh tráng mỏng, thêm bánh khoái, các loại rau sống rồi cuộn lại và chấm trong nước lèo. Một số người cũng ăn bánh khoái bằng cách cho một nửa bánh vào bát, sau đó thêm rau sống, nước lèo vào và thưởng thức. Vì vỏ bánh được làm từ bột gạo pha với bột nghệ nên màu sắc của bánh vô cùng đẹp mắt. Khi cắn một miếng bánh khoái, bạn sẽ cảm nhận được lớp vỏ giòn xốp, đậm đà kết hợp với ngọt thơm và nước chấm béo ngậy.
Ngoài món bánh khoái với phần nhân quen thuộc là thịt lợn, chả, tôm… thì bạn còn có thể thưởng thức món bánh khoái cá kình, đặc sản làng Chuồn ở Huế.
- Bánh khoái Hạnh – 11 Phó Đức Chính, Huế
- Bánh khoái Lạc Thiện – 6 Đinh Tiên Hoàng, Huế
- Bánh khoái Thu Sương – 86 Kim Long, Huế
Bình luận