Trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh Covid-19 trên địa bàn cũng như nhiều tỉnh thành trên cả nước, Hà Nội đã cho phép F0 thể nhẹ hoặc không triệu chứng tự cách ly, điều trị tại nhà. Theo đó, Sở Y tế cũng đã ban hành hướng dẫn cụ thể về việc quản lý, điều trị và chăm sóc F0 tại nhà.
Trong đó F0 điều trị tại nhà là những bệnh nhân có mức độ lâm sàng không triệu chứng hoặc triệu chứng mức độ nhẹ, với biểu hiện như sốt, ho khan, đau họng, nghẹt mũi, mệt mỏi, đau mỏi cơ khớp, giảm vị giác, khứu giác…; SpO2 bằng hoặc trên 96%, nhịp thở dưới hoặc bằng 20 lần/phút; tuổi bằng hoặc trên 3 tháng và dưới hoặc bằng 49 tuổi. Bên cạnh đó, để thuộc nhóm điều trị tại nhà, F0 này chưa phát hiện bệnh lý nền, đã tiêm đủ liều vaccine; không mang thai.
Vậy nếu trẻ em không may mắc Covid-19 và điều trị tại nhà, bố mẹ cần chuẩn bị những loại thuốc nào cho con?
Về vấn đề này Sở Y tế Hà Nội cho biết, F0 là trẻ em điều trị tại nhà cần được nằm điều trị phòng riêng, đeo khẩu trang cho trẻ trên 2 tuổi.
Trẻ sẽ được điều trị theo biểu hiện của bệnh. Cụ thể, khi nhiệt độ trên 38,5 độ C, để hạ sốt bố mẹ cho trẻ uống Paracetamol liều 10 - 15mg/kg/lần mỗi 6 giờ.
>>> Xem thêm: Các nước trên thế giới tiêm mũi tăng cường Covid-19 như thế nào?
Bố mẹ cũng cần chuẩn bị thêm siro ho, bổ phế và thuốc ngừa tiêu chảy. Để điều trị ho và tiêu chảy dạng nhẹ cho bé nếu có triệu chứng, nên ưu tiên cho trẻ dùng thuốc ho thảo dược và các loại men tiêu hóa.
Đồng thời trẻ còn được khuyến cáo uống nhiều nước, đảm bảo dinh dưỡng (như bú mẹ, ăn đầy đủ), vệ sinh thân thể, răng miệng, mũi họng; và thường xuyên theo dõi thân nhiệt tối thiểu 2 lần/ngày hoặc khi cảm thấy trẻ sốt.
Bố mẹ tiến hành đo SpO2 (nếu có thiết bị) tối thiểu mỗi ngày 2 lần hoặc khi cảm thấy trẻ mệt, thở nhanh/khó thở.
Dấu hiệu cảnh báo đối với trẻ em:
Những biểu hiện cho thấy trẻ cần báo nhân viên y tế, cha mẹ cần chú ý, bao gồm: Trẻ sốt trên 38,5 độ C; con bị tức ngực; đau rát họng, ho; cảm giác khó thở; tiêu chảy; SpO2 nếu đo được < 96%; trẻ mệt li bì, không chịu chơi; ăn/bú kém.
Những dấu hiệu trẻ chuyển nặng cần báo tổ y tế cộng đồng hoặc gọi cấp cứu 115 để được cấp cứu tại nhà hoặc đưa trẻ đến bệnh viện ngay, gồm: Trẻ bị thở nhanh theo tuổi, cánh mũi phập phồng, thấy ngực rút lõm lồng ngực.
Bình luận