Theo VTV, tỷ lệ mắc COVID-19 ở trẻ dưới 18 tuổi của nước ta từ đầu mùa dịch đến nay là 19,2%. Trong đó đa phần trẻ mắc COVID-19 đều diễn biến nhẹ, thậm chí không có những triệu chứng quá nghiêm trọng. Tuy nhiên đã có 1 số ít trẻ sau khỏi bệnh vẫn có nguy cơ phải gánh chịu di chứng hậu COVID -19 từ nhẹ đến nặng. Chính vì vậy các bác sĩ khuyến cáo các bậc cha mẹ tuyệt đối không nên chủ quan sau khi con nhiễm Covid-19.
Điển hình như đã có nhiều trẻ đến khám hậu Covid-19 tại Bệnh viện Nhi trung ương, và dù đã khỏi Covid-19 nhưng các em vẫn gặp tình trạng ho dai dẳng.
>>> Xem thêm: Hà Nội có 3 ngày 8 độ C liên tục, học sinh tiểu học nội thành có trở lại trường được không?
Theo các bác sĩ, những biểu hiện như mệt mỏi, khó thở, ho kéo dài… điển hình với những trẻ đến hậu Covivd-19. Với những trường hợp này, cha mẹ có thể tự theo dõi trẻ tại nhà. Tuy nhiên, có những trường hợp phải nhập viện ngay tức khắc khi các em có dấu hiệu như đau họng, sốt cao liên tục... Vì thực tế đã có bé được chuyển vào Bệnh viện Nhi Trung ương với những biểu hiện như vậy, nhưng khi thăm khám đã phát hiện em bị suy đa tạng, nhiễm trùng huyết. Các bác sĩ chẩn đoán em đã mắc hội chứng MIS-C, viêm đa hệ thống, đây là 1 trong những biến chứng nặng, hiếm gặp sau khi trẻ nhiễm COVID -19.
Liên quan đến vấn đề này, Phó trưởng khoa Điều trị tích cực, Bệnh viện Nhi Trung ương TS.BS Đậu Việt Hùng cho biết: "Đối với trẻ em, hậu COVID-19 còn rất mới, các kiến thức còn chưa phổ cập hết đến các hệ thống y tế. Bệnh cảnh hậu COVID-19, đặc biệt là hội chứng MIS-C lại dễ lẫn với rất nhiều bệnh khác như hội chứng thực bào máu, sốc nhiễm trùng… Các bé vào có những biểu hiện suy giảm chức năng tĩnh mạch, sốc, sốt kéo dài, ban trên da…"
Theo các bác sĩ, tỷ lệ trẻ mắc Covid-19 và gặp phải hội chứng MIS-C chỉ là 2/100.000 nhưng hậu quả của hội chứng này gây ra rất nặng nề và đây cũng là nguyên nhân chính gây tử vong sau khi mắc COVID-19 ở trẻ nhỏ.
Ngoài ra TS.BS Đậu Việt Hùng còn khuyến cáo, các gia đình không được chủ quan với trẻ đã từng mắc COVID-19. Nhất là sau khi trẻ âm tính 2- 6 tuần nếu có biểu hiện như sốt cao trở lại, phát ban, phù nề, rối loạn tiêu hoá, da tái, nhịp tim nhanh…cần đưa con đến bệnh viện để thăm khám, điều trị kịp thời.
Bên cạnh đó, TS.BS Phan Hữu Phúc, khoa Điều trị tích cực nội khoa – Bệnh viện Nhi Trung ương cũng khuyến cáo, các bậc phụ huynh cần chú ý chăm sóc trẻ tại nhà. Đồng thời phải tăng cường các biện pháp phòng bệnh cho trẻ như ăn uống đầy đủ, hợp lý, đảm bảo dinh dưỡng để tăng cường sức đề kháng; Tuân thủ 5K, hạn chế tiếp xúc; Giữ vệ sinh sạch sẽ cho trẻ, đảm bảo vệ sinh sạch sẽ, nhà cửa thông thoáng, lau chùi thường xuyên các vật dụng trong nhà và đồ chơi của trẻ, vệ sinh tay cho trẻ thường xuyên. Ngoài ra, cần đưa trẻ đi tiêm chủng đầy đủ các loại vắc xin khác theo đúng lịch để tăng cường hệ miễn dịch cho trẻ.
Bình luận