Chiều qua 3/11, làng chài Kim Giao Thiện, xã Hoài Hải (TX Hoài Nhơn, Bình Định) trở nên xôn xao hơn bao giờ hết khi đón mừng 3 thuyền viên trên tàu cá BĐ 97469 TS bị chìm trong bão số 9 trở về. Họ đã sống sót kỳ diệu sau 2 ngày 2 đêm vật vã với sóng dữ, gió to, mưa lạnh, chứng kiến những cái chết của bạn bè người thân ngay trước mắt trước khi được tàu hàng M/V Fortune Iris của Nhật bản cứu.
Sự sống sót của họ được xem là thần kỳ. Vì không ai tin rằng sau hai ngày hai đêm lênh đênh trên biển trong những cột sóng cao 5-6m mà họ vẫn trở về.
Chiều qua họ được chính quyền địa phương đón, đưa về quê. Đó là các anh Võ Văn Hoài (35 tuổi), Lê Minh Don (20 tuổi) và Huỳnh Xuân Phi (35 tuổi), cùng ở xã Hoài Hải.
Khi xe đưa 3 thuyền viên từ Cam Ranh (Khánh Hòa) về làng chài Hoài Hải, vừa dừng trước nhà ngư dân Lê Minh Don thì có hàng trăm người dân ùa đến, ai nấy cũng dành dìu anh Don và anh Phi vào nhà. Nhà của ngư dân Phi và Don gần nhau. Có thể thấy dù đã được nghỉ ngơi mấy ngày trên tàu kiểm ngư, anh Phi vẫn chưa bình phục hoàn toàn.
Vừa vào đến nhà là Phi nằm ngay lên võng, mắt nhìn quanh căn nhà, nhìn người cha già bệnh tật đến nhìn vợ, nhìn con, rồi nước mắt cứ thế mà tuôn rơi. Có lẽ, đã có lúc anh nghĩ rằng mình không còn cơ hội được về căn nhà này nữa, được nhìn thấy những người thân yêu nhất.
Chị Huỳnh Thị Tiết (34 tuổi) vợ anh Phi vừa thấy chồng liền ôm anh vào lòng khóc nức nở. Còn ông Huỳnh Xuân Phương (62 tuổi), cha anh Phi, vốn là người yếu thần kinh nhưng trước sự trở về kỳ diệu của con trai, ông như tỉnh hẳn ra, mắt không lúc nào cũng rưng rưng ngấn lệ.
Ông đến bên và nhẹ nhàng xoa đầu con trai, miệng móm mém: “Con về là mừng rồi, từ nay đừng đi biển nữa”. Những người chứng kiến cảnh đoàn tụ ấy không ai cầm được nước mắt, có người quá xúc động bật khóc òa, chạy ra biển để giấu những giọt nước mắt.
Theo chị Tiết, đây là lần thứ 3 anh Phi gặp nạn trên biển. Lần đầu tiên cách đây hơn 10 năm. Đó là lần Phi cãi nhau với chủ tàu, anh ôm đồ xuống thúng chai rồi chèo vào bờ, bất chấp sóng to gió lớn, lần ấy anh đã suýt gặp nguy hiểm.
Lần thứ 2 cách đây vài năm, anh Phi đi cho 1 tàu cá ở địa phương, hôm ấy tàu của anh gặp áp thấp nhiệt đới bị gió đánh dạt vào gành đá, may mà tàu cứu hộ đến kịp thời. “Lần này là lần thứ 3 và là lần ảnh chết đi sống lại. Từ nay có đói có nghèo thì chịu chứ em nhất quyết không cho ảnh đi biển nữa”, chị Tiết nói kiên quyết.
Tại nhà ngư dân Lê Minh Don, cũng có rất nhiều người đến chào đón anh trở về. Nhà Don khá bề thế và có khoảng sân rất rộng nhưng chật kín người. Khi Don vừa vào sân, bà Võ Thị Phúc, mẹ của Don chen giữa đám đông từ nhà chạy ra ôm con trai òa khóc nức nở. Bà Phúc dìu Don vào nằm trên chiếc nệm trải sẵn, vạch áo xem từng vết thương trên tay rồi bật khóc nức nở.
Theo lời kể của ngư dân Lê Minh Don, khi nhận được tin bão số 9, tàu của anh chạy theo hướng Tây Nam để thoát bão. Nhưng do sóng to gió lớn, tàu không chạy được, các thuyền viên liền bung dằm dù cho tàu trôi tự do.
Tuy nhiên, sóng ngày càng mạnh hơn, những tấm ván lần lượt bị đánh bung khỏi thân tàu, chỉ 1 lúc sau là tàu chìm. Lúc này, 14 ngư dân vội nhảy xuống biển để thoát thân với mình trần thân trụi, chỉ có anh Huỳnh Xuân Phi là kịp mặc áo phao.
2 ngư dân Bùi Tấn Phương, Võ Văn Toàn bị sóng nhấn chìm trước mặt mọi người ngay khi vừa nhảy xuống biển. Còn nhóm các anh Don, Phi và Hoài cùng Trương Văn Sinh, Nguyễn Văn Hoài, Huỳnh Long Hoài, Lâm Hoàng Tín và Nguyễn Văn Tẹo bám được vào một tấm ván tàu dài khoảng 5m, rộng 0,6m mà bơi.
Sau đó các anh buộc gia cố thêm vào tấm ván những vỏ bình gas và tấm phao xốp từ tàu cá trôi ra để tấm ván khỏi bị chìm. Một nhóm ngư dân khác gồm 4 người là Võ Ngọc Đô, Phan Văn Tuấn, Phan Quốc Vy và Lê Chí đu bám trên một nắp xốp hầm cá.
Theo anh Don, do sóng gió quá lớn, 2 nhóm ngư dân bị dạt ra xa nhau và dần dần không còn nhìn thấy nhau nữa. Lúc đó, sóng mạnh liên tục phủ lên đầu, đánh mạnh vào 8 ngư dân đang bám vào miếng ván nên nhiều người bị thương.
“Sau 2 ngày 2 đêm chịu đói khát, thêm vào đó bị sóng quăng quật liên tục, nên anh em đuối sức dần dần, rồi từng người từng người thả tay khỏi miếng ván, chỉ còn 4 người chúng tôi. Lúc đó đầu tôi miên man nhiều chuyện, nhưng chẳng chuyện gì ra chuyện gì, khi ấy dù cái chết đã hiển hiện nhưng mọi người vẫn cứ động viên nhau cố gắng vượt qua.
Có lúc đói quá, tôi bẻ phao xốp mà ăn cầm hơi. Khát thì ngửa mặt lên trời hứng nước mưa mà uống. Đến sáng 29/10, anh Huỳnh Long Hoài thều thào nói không cầm cự được nữa rồi buông tay. Sau đó anh Hoài chìm dần mất tăm giữa những con sóng, chúng tôi chỉ còn lại 3 người. Nếu anh Hoài còn sức, ráng cầm cự thêm ít thời gian nữa thì được cứu rồi”, anh Don vừa khóc vừa kể lại.
Bình luận