Grab mới đây đã thông báo tăng giá cước vận chuyện sau khi Nghị định 126 có hiệu lực, mục đích để hài hòa lợi ích giữa các bên. Nhưng theo nhiều người dùng phản ánh, giá đặt xe của Grab, đặc biệt là GrabCar ngày càng có nhiều thời điểm tăng vọt trong ngày, thậm chí có lúc cao gấp 3-4 lần taxi truyền thống với cùng cự ly di chuyển.
Bên cạnh giá xe tăng thêm, các loại phụ phí cộng thêm trong một cuốc xe cũng khiến người sử dụng dịch vụ hoang mang vì cho rằng cơ chế tính phí “không rõ ràng”
Nhiều thời điểm cước phí tăng sốc, người dùng kêu trời
Theo bảng giá mới của Grab, giá GrabCar 4 chỗ tăng 2.000 đồng/km, từ 25.000 lên 27.000 đồng cho 2km đầu tiên, mỗi kilômet tiếp theo giá 9.500 đồng. Mức tăng trên không phải quá lớn, tuy nhiên theo ghi nhận ở nhiều trường hợp, hành khách sử dụng dịch vụ của xe công nghệ như Grab, Be gần đây phản ảnh tình trạng giá cước xe bị cộng thêm nhiều khoản phí, phụ phí mà hãng tự đặt ra, đẩy giá cước tăng rất mạnh vào khung giờ cao điểm hoặc vào ban đêm.
Tuổi trẻ online đưa tin, vào trưa 7/12, anh Đ.V. (Q.Phú Nhuận, TP.HCM) đặt xe từ đường Nguyễn Đình Chính về ngã tư Phú Nhuận, quãng đường khoảng 3km, ứng dụng GrabCar hiển thị cước phí là 109.000 đồng, còn GrabBike là 45.000 đồng. Theo anh V, mức phí 109.000 đặt GrabCar cho 3km di chuyển là hết sức vô lý, bởi sau khi anh quyết định đi taxi truyền thống thì cước phí khi đến nơi chỉ là 30.000 đồng. Mức chênh lệch của GrabCar là gấp gần 4 lần, quá cao so với bình thường.
Một trường hợp khác là anh Tường (Q.Tân Bình) cho biết giá xe công nghệ đã không còn rẻ như hồi mới vào Việt nam, điều này xảy ra với tất cả các hãng xe công nghệ chứ không riêng gì Grab. Tuy nhiên, ngoài việc giá xe tăng cao thì cách tính các loại phụ phí, thậm chí là phạt người sử dụng được áp dụng không rõ ràng, khiến cho anh bức xúc.
Đơn cử có lần, anh Tường bị trừ 10.000 đồng trong ví điện tử vì lý do quá 5 phút không tới điểm đến gọi xe, dù anh khẳng định không có chuyện “đặt xe một đằng, đón xe một nẻo”. Bên cạnh đó, hãng cũng mặc nhiên thu của khách hàng 3.000 đồng trên một cuốc xe nhưng cũng không có thông báo hay hiển thị gì cho người dùng biết.
Hiện nay, nhiều khách hàng cho rằng xe công nghệ từng nhanh chóng chiếm thị phần người dùng với tiêu chí tiện, rẻ hơn các phương tiện xe ôm, taxi truyền thống thì bây giờ gần như không còn khoảng cách đáng kể nữa. Sau những lần tăng giá cước, mức chiết khấu và áp dụng các loại phụ phí khác nhau, giá xe công nghệ đã bắt đầu ngang hoặc cao hơn dịch vụ taxi, xe ôm truyền thống.
Lý giải về tình huống giá cước nhiều lúc ‘tăng phi mã”, đại diện Grab nêu nguyên nhân là do giá mỗi cuốc xe Grab được quyết định bởi thuật toán dựa trên một số yếu tố khách quan như nhu cầu sử dụng và lượng xe có sẵn tại thời điểm khách hàng đặt xe. Tại cùng một thời điểm và khoảng cách nhưng giá cước cho các cuốc xe có thể khác nhau, ảnh hưởng bởi khung giờ, tình trạng giao thông. Thêm vào đó, nhu cầu đi lại ngày càng tăng, số lượng tài xế không đáp ứng đủ nên giá cước có thể cao hơn so với trước.
Tài xế chạy xe than khổ vì chiết khấu quá cao
Những tưởng rằng khi các hãng xe công nghệ tăng giá cước thì doanh thu cho tài xế sẽ tăng theo, nhưng thực tế thì không như vậy
Cụ thể với GrabCar, trong khoảng 5km đầu, giá mới hiện tại cho xe 4 bánh là 55.000 đồng, tăng hơn 3.500 đồng so với trước ngày 5/12. Tuy nhiên, số tiền chiết khấu mà tài xế phải nộp về cho Grab lên tới 18.226 đồng + thuế, phí. Như vậy số tiền thực nhận của tài xế chỉ còn 37.000 đồng. Mức chiết khấu hiện tại của Grab áp dụng tăng từ 28,375% lên 32,841%. Theo hầu hết tài xế Grab, mức chiết khấu trên 30% là quá cao, cộng thêm 10% thuế VAT theo Nghị định 126, tài xế chạy xe cả ngày cũng không đảm bảo thu nhập, nhất là trong bối cảnh cạnh tranh giữa các hãng xe ngày càng khốc liệt, lượng khách hàng suy giảm.
Đồng tình với nỗi băn khoăn của giới tài xế xe công nghệ, nhiều chuyên gia cũng cho rằng Grab nên công khai việc tăng thuế hoặc tăng các chi phí lần này cụ thể là gì, cách thức áp dụng ra sao để minh bạch việc hãng có đẩy hết gánh nặng và phần thiệt về phía khách hàng và tài xế hay không. Bên cạnh đó cũng cần xem lại và giải thích rõ ràng mức chiết khấu để hài hòa quyền lợi các bên, tránh nảy sinh những xung đột lợi ích giữa hãng với tài xế, hãng với người dùng và thậm chí là giữa tài xế với người dùng do cả đôi bên đều “mông lung” trước việc tại sao cước phí lại tăng cao như vậy.
Bình luận