Giữa những lằn ranh đáng sợ giữa sự sống và cái chết, giữa những nguy hiểm của dịch bệnh, có những mẩu chuyện nhỏ khiến người ta thêm lạc quan, thêm vững tin về một ngày mai chiến thắng.
Trong số những "chiến binh" mạnh mẽ vượt qua sự đáng sợ của dịch bệnh, bé N.M Khôi (Q. Tân Phú, TP.HCM) khiến không ít người rưng rưng cảm xúc trước lá thư gửi những "ông bụt, bà tiên" áo xanh áo trắng đã đồng hành cùng mình trong khoảnh khắc sinh tử.
Bé N.M.Khôi 13 tuổi tên gọi ở nhà là "bé Bự", em bị mắc Covid-19 và bị béo phì, cân năng vượt mức bình thường so với độ tuổi 13 khiến quá trình điều trị gặp không ít khó khăn. Kể về quá trình điều trị tại Bệnh viện Nhi đồng 2 TP.HCM, "bé Bự" cho biết đó là những chuỗi ngày không thể nào quên với em và cả gia đình. “Trong giấc mơ của con là những chuỗi ngày chiến đấu với bệnh tật, với những đau đớn, khó thở, những di chứng viêm phổi nặng gây ra bởi Covid-19", em viết.
>>> Xem thêm: Vì sao có những người không mắc Covid-19 dù tiếp xúc gần với F0?
Đối với "chiến binh nhí" như M.Khôi, các y bác sĩ chẳng khác gì những "ông bụt, bà tiên" mang đến cho em cuộc sống thứ hai. Trong bức thư, em kể lại sự ân cần, chăm sóc, túc trực giành giật sự sống cho em từ tay tử thần. Dù không thân thích nhưng sau hành trình chiến đấu với Covid-19 căng thẳng đó luôn là những người mà em sẽ mang trọn ơn nghĩa cả đời.
“Sự sống của con được tiếp nối đến ngày hôm nay là nhờ những đêm trắng của bác Quốc Anh, bác Bùi Giang, bác Võ Trân, bác Luân... Cực khổ cho các cô, các bác lấy ven truyền thuốc, thử máu cho con. “Bé bự” ven khó lấy, con khóc, con đau mà các cô các bác xót lòng. Mỗi lúc nhìn thấy bác Quốc Anh xuống hướng dẫn tập thở, động viên con trở mình để lá phổi hồi sinh, con như được tiếp thêm nghị lực sống, bác Luân điều chỉnh giảm lượng oxy, con biết con được các bác cứu rồi”, em viết.
Cũng theo dòng tâm sự của M.Khôi, các y bác sĩ ở Bệnh viện Nhi đồng 2 luôn túc trực trả lời tin nhắn, những thắc mắc thường xuyên của mẹ em, còn có những người ngồi cạnh em theo dõi cả mấy đêm liền.
Sau khi được trở về nhà, nhớ lại hành trình không thể nào quên của mình, bé Bự M.Khôi chia sẻ với Thanh niên: “Lúc em trở nặng, đầu óc mơ hồ, đứng giữa ranh giới của sự sống và cái chết, các bác sĩ, nhân viên y tế trong màu áo xanh và trắng luôn ở bên em. Em hồi tưởng tới những câu chuyện cổ tích hồi nhỏ và xem các bác là những ông bụt, bà tiên nên em gọi các bác, các cô như vậy".
Bên cạnh đó, em cũng hứa giảm cân, ăn uống điều độ để không phụ lòng "ông bụt bà tiên áo trắng, áo xanh" đã cứu sống mình.
Nguyên văn bức thư "chiến binh nhí" gửi đến đội ngũ y bác sĩ sau hành trình chiến thắng Covid-19 căng thẳng:
"Con là bé bự M.Khôi nổi bật khoa Covid-19 (Đơn vị điều trị Covid-19, Bệnh viện Nhi đồng 2 TPHCM) và mẹ con đã vừa trở về từ giấc mơ ở một cõi xa xôi tưởng chừng không có thực, nhưng lại thật gần, thật hiện hữu và quan trọng là thật rất thật.
Trong giấc mơ của con là những chuỗi ngày chiến đấu với bệnh tật, với những đau đớn, khó thở, những di chứng viêm phổi nặng gây ra bởi con virus mang tên Covid-19. Nhưng hôm nay con đã trở về được là nhờ các ông bụt, bà tiên mặc hai màu áo xanh và trắng, mà trong lòng con đó là các anh hùng, các chiến binh đang ra trận đang chiến đấu với tất cả năng lượng của vũ trụ. Bên trong những bộ giáp đặc biệt ngột ngạt khó thở đó là các bác sĩ, cô y tá, các cô điều dưỡng, và các nhân viên y tế khác. Một điều tiếc nuối nhất trong con là không được biết mặt, biết tên những người con mang trọn ơn nghĩa cả đời này.
Sự sống của con được tiếp nối đến ngày hôm nay là nhờ những đêm trắng của bác Quốc Anh, bác Bùi Giang, bác Võ Trân, bác Luân... Các cô Thiềm, cô Xuyên, cô Duyên, cô Linh, cô Liên... canh cho con, theo dõi con sốt bao nhiêu độ, SPO2 của con bao nhiêu, canh đúng giờ truyền cho con từng cữ thuốc. Cực khổ cho các cô, các bác lấy ven truyền thuốc, thử máu cho con, bé bự ven khó lấy, con khóc, con đau mà các cô các, bác xót lòng. Mỗi lúc nhìn thấy bác Quốc Anh xuống hướng dẫn tập thở động viên con trở mình để lá phổi hồi sinh, con như được tiếp thêm nghị lực sống, bác Luân điều chỉnh giảm lượng oxy phải thở con biết con được các bác cứu rồi.
Bác Giang, bác Trân luôn túc trực trả lời tin nhắn thường xuyên của mẹ con, hướng dẫn từng chút từng chút, kể cả những tin nhắn trong lúc lo lắng quá mẹ con hỏi những câu hỏi lặp đi lặp lại, các bác vẫn rất kiên nhẫn giải thích, gọi điện thoại động viên, tác động tích cực, mang đến một bầu không khí nhẹ nhàng và lạc quan. Có bác y tá lớn tuổi, mẹ con con gọi bằng ông cho tình cảm, bác vui tính lắm làm con quên đi bệnh tật và còn bắt mẹ con ngủ đi một xíu, có cô ngồi cạnh máy nhìn con trắng cả mấy đêm. Thương không biết để đâu cho hết thương.
Còn rất rất nhiều những quan tâm thầm lặng khác nữa mà trên những trang giấy này, con không thể diễn tả hết được. Con cũng biết, ngôn từ chưa khi nào và chưa bao giờ là đủ để diễn đạt hết được tấm lòng, sự hy sinh của các cô các bác dành cho con.
Con quan sát xung quanh, các bạn các em nhỏ khác thương lắm, đều được các bác, các cô lo lắng chăm sóc như con vậy. Con không biết sức lực ở đâu mà các anh hùng của con chiến đấu mạnh mẽ đến thế. Phải chăng đó là nội lực của những y, bác sĩ đặt cái tâm, y đức lên hàng đầu, bên cạnh đó là tài năng xuất chúng nổi trội (mẹ con nói, chỉ có những người giỏi thiệt giỏi mới học được bác sĩ).
Kể cả những cô bác dọn dẹp chăm lo vệ sinh môi trường cho phòng cấp cứu phòng bệnh, cũng đều đặt tâm sức vô việc làm của mình, chăm lo cho bọn con từng tấm trải giường sạch sẽ, những bộ đồ thơm tho, từng suất ăn đầy đủ, hướng dẫn tạo điều kiện để chúng con sinh hoạt được thuận lợi thoải mái nhất.
Sống và làm việc trong một môi trường, điều kiện khắc nghiệt và bất lợi, nhưng chưa khi nào con thấy một sự nản lòng nào trên khuôn mặt các chiến binh anh hùng áo xanh trắng của chúng con. Con và các bạn được tiếp thêm sức sống được trở về với gia đình được học hành, các con còn có ngày về, thế các bác các cô bao giờ thì được về với cuộc sống bình thường, được trở về với gia đình, câu hỏi mà con không có đáp án cụ thể. Các bác, các cô cũng có gia đình, có các bạn nhỏ, có cha có mẹ, có những người thân yêu đang ngóng đang trông. Sự hy sinh này, có ai thấu hiểu?.... hy sinh để cho đời thêm những mầm xanh, mầm sống tươi tốt hơn.
Theo con, cái từ nghề cao quý không thể lột tả được hết tâm đức của những gì các bác các cô cống hiến cho đời. Sự hy sinh, tâm sức, tài năng của các bác các cao quý hơn những gì cao quý nhất, nói theo “trend” của chúng con là “đỉnh của chóp”.
Một mong ước nhỏ bé nhưng thực tâm của con là nếu có duyên gặp lại được các cô các bác, con chỉ cần được nắm lấy những bàn tay thiên thần ấy, được ôm một vòng tay ấm, được nói lời cảm ơn trực tiếp đến mọi người.
Về nhà rồi mà mẹ con vẫn ở trong nhóm thắc mắc của bệnh nhân gửi các bác, để cảm nhận sự khốc liệt hàng ngày các bác vẫn đang chiến đấu, đồng thời cũng để nhắc cho mình nhớ rằng cuộc chiến vẫn đang tiếp diễn chưa khi nào dừng lại, để không khi nào được quên sự sống thứ 2 của con là do các bác các cô ban tặng, tiếp sức.
Con và gia đình xin trân trọng gửi đến các bác các cô lòng biết ơn sâu sắc, lời cảm ơn từ tận đáy lòng. Con luôn cầu chúc cho các bạn mắc bệnh "cùng team" chiến binh dũng cảm của con và ông bụt bà tiên của con những lời chúc tốt đẹp nhất, luôn khỏe mạnh, bình an và hạnh phúc.
Cuộc chiến nào cũng sẽ đến hồi kết thúc, các bác các cô sẽ có ngày mai bình yên bên những người thân yêu của cuộc đời mình. Con yêu tất cả mọi người, con yêu các cô chú bác sĩ của con!"
Bình luận