Chi tiết hơn, các Youtuber không phải quốc tịch Mỹ có "bật kiếm tiền" và thu được lợi nhuận từ những người xem tại Mỹ sẽ bị YouTube khấu trừ thuế lên tới tối đa 30%. Chính sách mới sẽ bắt đầu sớm nhất là vào tháng 6 năm 2021. Youtube cũng cho biết đã gửi email gửi tới những nhà sáng tạo nội dung.
YouTube cũng đã yêu cầu nhà sáng tạo gửi thông tin thuế của họ trong AdSense “để xác định số thuế chính xác sẽ khấu trừ”. Tất nhiên các quy định này không áp dụng với các nhà sáng tạo nội dung sống tại Mỹ mà chỉ áp dụng cho người sinh sống bên ngoài biên giới, bao gồm cả Việt Nam.
Google (công ty mẹ của Youtube) có trách nhiệm sẽ thực hiện việc khấu trừ thuế trên theo Chương 3 của Bộ luật thuế nội địa Mỹ để thu thập thông tin thuế, khấu trừ thuế và báo cáo cho Sở thuế vụ khi nhà sáng tạo kiếm được doanh thu tiền bản quyền từ người xem trong nước và việc khấu trừ sẽ được thực hiện trên tất cả các kênh, không có ngoại lệ đặc biệt.
Cũng theo thông báo trên, đối với các video kiếm tiền được từ lượt xem trên tất cả các quốc gia thì mức thuế phải nộp là 24%, đây là mức áp dụng cho các trường hợp không thực hiện khai báo thuế. Còn đối với các kênh thực hiện khai báo thuế thì sẽ chịu mức thuế 30% cho doanh thu đến từ các lượt xem của người sống tại Mỹ (cần phải biết là đối với các kênh không khai báo thuế và nộp thuế đúng quy định sẽ mặc định bị thu ít nhất 24% trên tất cả các video kiếm tiền, cũng như phải đối mặt với nguy cơ bị khóa kênh và các rủi ro khác).
Thay đổi này sẽ không ảnh hưởng đến những nhà sáng tạo nội dung ở Mỹ, nhưng sẽ ảnh hưởng đến phần còn lại của thế giới. Các YouTuber trên khắp thế giới, kể cả Việt Nam cần thông tin thuế cập nhật để gửi đi chậm nhất vào cuối tháng 5, nếu không, việc cắt giảm 24% mặc định sẽ được thực hiện. Điều này rõ ràng sẽ gây bất lợi cho nhiều người đang dựa vào nền tảng này để kiếm sống.
Tính năng kiếm tiền cho nhà sáng tạo nội dung trên Youtube được thực hiện theo chương trình đối tác và yêu cầu tối thiểu để tài khoản của nhà sáng tạo có thể "bật kiếm tiền" là phải có ít nhất 4.000 giờ xem công khai trong 12 tháng và hơn 1.000 người đăng ký.
Tuy nhiên, mới đây thì Youtube đã cập nhật điều khoản dịch vụ của mình để nhường chỗ cho việc chạy quảng cáo trên các video do những nhà sáng tạo nhỏ không tham gia chương trình đối tác và không tạo ra bất kỳ khoản thu nhập trực tiếp nào từ nền tảng này. Điều này đã làm dấy lên làn sóng phản đối của các youtuber bởi họ không kiếm lợi được gì từ các video mình đăng tải, trong khi Youtube vẫn "lợi dụng" các kênh của họ để chèn quảng cáo kiếm tiền.
Bình luận