Khi nhắc đến nguyên liệu cá, ngoài các cách chế biến như kho, rán, nướng… thì người ta còn ăn cá sống cùng với các loại gia vị, rau thơm để tạo thành món gỏi. Mỗi vùng biển nước ta lại có những món gỏi cá mang hương vị riêng. Cùng 2Đẹp điểm danh 3 món gỏi cá nổi tiếng của ẩm thực Việt Nam mà bạn nên thử khi đi du lịch biển nhé.
Bên cạnh hương vị hấp dẫn, món gỏi cá nhệch còn nổi tiếng vì có giá trị dinh dưỡng cao. Sau khi có cá nhệch tươi, người ta sẽ sử dụng tro bếp hoặc nước vôi loãng để làm sạch nhớt rồi khéo léo sơ chế và lọc bỏ xương cá. Quá trình này đòi hỏi người đầu bếp phải thật tỉ mỉ để cá sau khi làm xong không bị nát và cũng không còn xương dăm.
Để làm gỏi cá nhệch, thịt cá sẽ được thái mỏng rồi dùng chanh tươi bóp qua. Sau đó, người ta sẽ mang cá nhệch đi ướp gia vị và trộn cùng thính. Đặc biệt, phần xương cá sẽ được giã nhuyễn để nấu chẻo và da cá thì mang đi chiên giòn cuộn cùng gỏi. Gỏi cá nhệch là món gỏi rất nổi tiếng ở nhiều tỉnh thành như Nam Định, Thái Bình, Thái Bình, Ninh Bình, Thanh Hóa.
Gỏi cá nhệch có cách ăn khá lạ mắt. Đầu tiên, người ta sẽ sử dụng lá ổi bánh tẻ hoặc lá sung làm vỏ đựng các loại lá khác như đinh lăng, húng quế, lá mơ, mùi tàu… rồi cuốn thành hình phễu và cho gỏi nhệch vào giữa. Tiếp đó, họ rưới một chút chẻo lên và từ từ thưởng thức gỏi. Tuỳ vào sở thích và khẩu vị mà bạn có thể thêm hành, gừng hay bánh đa nướng vào gỏi cá nhệch.
Mặc dù có bề ngoài khá giống với cá cơm nhưng cá mai không có vảy, có dọc trên lưng, thịt ăn rất ngọt. Khi đã chọn được những con cái thật tươi, người đầu bếp sẽ làm sạch rồi mang cá đi rút xương, thâm khô. Để làm tái cá mai, người ta có thể sử dụng nhiều cách như dùng me, chanh hoặc giấm.
Cá sau khi được mang đi bóp chua sẽ có màu trắng ngà, hơi đục chứ không còn trắng trong như ban đầu. Tiếp đó, cá được trộn với thình và nhiều loại gia vị, rau sống như hành tây thái lát, rau răm, gừng thái chỉ, tía tô, húng quế…
Khi ăn gỏi cá mai, thực khách sẽ cảm nhận được vị ngọt, tươi sống của cá hoà quyện cùng vị chua nhẹ của chanh, đậm đà của nước chấm và thanh mát từ rau sống. Bạn có thể dễ dàng tìm thấy món này tại các nhà hàng, quán ăn ở Nha Trang.
Cá đục là loại cá có phần thân to hơn ngón cái, có chiều dài khoảng 13 đến 18cm và thường thấy ở những vùng bãi ngang như Lộc Hà, Thạch Hà, Nghi Xuân… của Hà Tĩnh. Món cá đục thường được sử dụng để làm nhiều món ngon nhưng nổi tiếng nhất là cá đục nướng và gỏi cá đục.
Cá đục sau khi được sơ chế, bỏ đầu thì sẽ được cắt dọc thân lấy thịt và ướp cùng nước chanh từ 15 đến 30 phút. Sau đó, họ vắt cá, để ráo và sử dụng phần nước vắt từ cá làm gia vị chấm. Ngoài nước vắt cá thì gia vị chấm còn sử dụng thêm nhiều nguyên liệu như đậu phộng, hành tím, cà chua, ớt, chanh, tỏi băm… để đun thành hỗn hợp chấm.
Gỏi cá trích là một trong những món đặc sản được nhiều người yêu thích khi đến Phú Quốc. Để cá trích ngọt béo, thịt mềm thơm và ít tanh thì người đầu bếp thường sử dụng cá tươi vừa được đánh bắt.
Sau khi làm sạch và sơ chế xong, họ sẽ lóc bỏ xương, chỉ lấy phần thịt hai bên và trộn cùng với các nguyên liệu như cà rốt, hành tây, tỏi phi vàng, dừa nạo… Đặc biệt, để món ăn có hương vị đặc trưng, món gỏi cá trích sẽ được rưới lên một chút nước sốt chua nuôi từ ổi chín.
Khi ăn gỏi cá trích, thực khách có thể dùng một miếng bánh tráng rồi cho dưa leo, rau sống, gỏi cá vào cuộn tròn và chấm trong nước chấm chua ngọt.
>>> Xem thêm: Gỏi cá trích, món đặc sản trứ danh ăn hoài không chán của đảo ngọc Phú Quốc
Bình luận