Tết Trung thu từ lâu đã trở thành một ngày Tết quan trọng của người dân đất Việt. Mỗi năm khi mùa Trung thu tới, dọc ngang các con phố lại xuất hiện không biết bao quầy bánh Trung thu của các công ty lớn nhỏ. Cùng với sự phát triển của các thương hiệu, bánh Trung thu vì thế cũng được cải biên và cái tiến rất nhiều từ phần nhân cho đến hình thức.
Mua trăng, biếu nhau bánh Trung thu còn là cách nhiều người gửi gắm vào đó biết bao lời cảm ơn chân thành. Bởi thế, hộp bánh Trung thu ngày nay không phải chỉ có bánh mà còn rất chú trọng đến hình thức sao cho đạt được các yếu tố thẩm mĩ, sang trọng. Và để nâng giá trị của hộp bánh, nhiều người còn lựa chọn các loại hộp có đi kèm đồ uống phụ trợ như trà, như rượu.
Lại nói đến chuyện kết hợp giữa đồ uống và bánh Trung thu. Bánh Trung thu truyền thống ngày xưa vốn nhân thập cẩm, lại vì để bảo quản tự nhiên được lâu nên dùng rất nhiều đường. Có điều vì thế nên bánh Trung thu thường rất ngọt, do vậy, khi ăn bánh, người ta thường dùng kèm với trà để trung hòa với độ ngọt, khiến miếng bánh đỡ ngán hơn. Ngày nay, vượt qua những nguyên tắc của ẩm thực, người ta có thể còn có thể kết hợp giữa bánh Trung thu với rượu vang đỏ hay cà phê - những món đồ uống có tính chua, chát hoặc đắng nhẹ. Nhưng truyền thống và đậm đà bản sắc dân tộc nhất chính là thưởng thức bánh Trung thu cùng trà.
Vậy bánh Trung thu uống với trà nào thì đúng vị? Cứ theo như lệ của cha ông ta, bánh Trung thu thường phải dùng kèm với trà mạn Thái Nguyên loại ngon. Ai khéo léo hơn, có điều kiện hơn nữa thì lại đem trà ấy ủ sen, ướp nhài nên nên những mẻ trà sen, trà nhài đậm hương vị mùa thu. Vì là ngày Tết đặc biệt, long trọng nên những loại trà này thường được để dành, để đến đêm Trăng rằm mới mang ra phá cỗ, trông trăng cùng gia đình, khách quý.
Đêm trăng, sau khi trẻ nhỏ đã rước đèn, cả nhà quây quần bên mâm ngũ quả, cùng nhau ăn bánh thưởng trà. Trẻ nhỏ hảo ngọt cứ thế cắn những miếng bánh thật to để ăn cho khoái khẩu, nhưng người lớn sẽ nhâm nhi từng miếng bánh nhỏ. Cắn một miếng bánh, nhấp một ngụm trà sẽ thấy vị đắng dịu, chát nhẹ lan ra trong khoang miệng để rồi sau cái đắng chát ấy sẽ thấy vị ngọt hậu, khiến cái ngon của bánh tăng lên gấp bội phần. Có lẽ vì thế hiếm có thức uống nào có thể thay thế được trà nóng trong nghệ thuật thưởng thức bánh Trung thu.
Ngày nay, bên cạnh trà truyền thống một số thương hiệu còn có thể kết hợp bánh Trung thu Việt với trà ngoại nhập. Nhưng nhắc đến loại trà đúng kiểu truyền thống, uống hợp với bánh Trung thu nhất, chắc chắn người Việt dù già hay trẻ vẫn chọn ngày trà mạn, trà sen hay trà ngày mà chẳng cần ngần ngại. Trong đêm trăng tròn nhất năm, bên chiếc bánh tròn trịa, những ngụm trà đắng - chát - thơm - ngọt như vị cuộc đời khiến câu chuyện của tình thân thêm đậm đà, gắn kết.
Bình luận