Mishti Doi là món sữa chua ngọt nổi tiếng và thường được người vùng Tây Bengal dùng làm món tráng miệng. Món ăn này thường được đặt trong những chiếc cốc làm bằng đất sét và dùng một chiếc thìa gỗ để múc ăn.
Khi ăn Mishti Doi, người Ấn Độ còn rắc thêm một vài sợi nghệ tây, vụn quả hồ trăn hoặc vài cánh hoa nhỏ… để tăng thêm hương vị hấp dẫn.
Bebinca là một món tráng miệng kiểu trứng sữa được người Bồ Đào Nha mang đến Goa vào thế kỉ 16. Nhờ vào sự sáng tạo của người dân địa phương, món ăn này không chỉ phù hợp với khẩu vị mà còn trở thành đặc sản của vùng đất này.
Bebinca được làm từ những nguyên liệu chính như bột mì, nước cốt dừa, bột trứng và nhục đậu khấu. Sau khi nướng chín, người ta sẽ phủ lên món Bebinca một lớp bơ được làm từ sữa trâu. Đây là món ăn truyền thống, được sử dụng nhiều trong bữa ăn hàng ngày và những dịp lễ hội ở vùng Goa, Ấn Độ.
Gajar halwa là một món tráng miệng nổi tiếng từ thời vua Mughal và thường xuất hiện trong lễ hội ánh sáng Diwali. Đầu tiên, người ta sẽ sên cà rốt bào trong hỗn hợp sữa – gia vị cho đến khi sệt mịn. Sau đó mang chiên cùng bơ rồi phủ lên một lớp đường để tăng vị ngọt. Gajar halwa thường được dùng kèm với kem vani hoặc những loại quả khô như hồ trăn, bạch đậu khấu…
Motichoor Ladoo là một món đặc sản bắt nguồn từ miền Bắc Ấn Độ. Thoạt nhìn, bạn sẽ thấy món tráng miệng này có hình dáng giống với món bánh rán thông thường.
Tuy nhiên, Motichoor Ladoo được làm từ bột đậu xanh kết hợp với nghệ tây, hạt dưa hoặc nước đường đặc. Để món ăn thêm bắt mắt, người ta sẽ trộn màu thực phẩm trong quá trình chế biến. Theo nhiều thực khách, khi cắn những miếng Motichoor Ladoo đầu tiên, bạn sẽ có cảm giác miếng bánh như tan chảy trong miệng.
Vào mùa xoài hàng năm, người Ấn Độ thường làm món Aamras puri. Trong tiếng Hindi, ras có nghĩa là nước trái cây còn aamras là xoài. Đặc biệt ở những vùng như Gujarat hay Maharashtra, hương vị của món ăn này nổi bật hơn hẳn.
Không chỉ sử dụng nguyên liệu xoài chín xay, người ta còn thêm vào Aamras puri nghệ tây, đường bột và sữa. Sau khi chế biến xong, món này được mang đi ướp lạnh rồi dùng kèm puri (một loại bánh mì chiên giòn)
Shrikhand được chế biến bằng cách thêm đường, bạch đậu khấu và nghệ tây vào một loại sữa chua đặc. Nhờ có nghệ tây mà Shrikhand mang sắc vàng đặc trưng và không lẫn với bất kì món ăn nào ở đây.
Để có được vị mặn – ngọt trong một món ăn, người ta thường thưởng thức món này bằng cách chấm bánh mì mặn chiên giòn trong Shrikhand. Khác với nhiều món tráng miệng thường xuất hiện trong bữa ăn của người Ấn Độ, Shrikhand được ăn vào mọi thời điểm trong một ngày.
Bình luận