Để giúp món ăn chính trở nên hài hòa, các đầu bếp Nhật Bản thường sử dụng các món ăn kèm, được gọi là Yakumi, như một loại gia vị giúp cân bằng hương vị. Đồng thời, các món ăn kèm này còn đem lại những công dụng tốt cho sức khỏe, kích thức sự thèm ăn và khiến bữa ăn của bạn trở nên ngon miệng hơn. Dưới đây, 2 Đẹp đã tổng hợp 7 loại Yakumi phổ biến nhất trong ẩm thực Nhật Bản.
Trong ẩm thực, gừng có vai trò khử mùi tanh và làm tăng hương vị cho món ăn. Tại Nhật Bản, các đầu bếp thường dùng gừng tươi nghiền để ăn kèm với đậu hũ lạnh (hiyayakko) hoặc đậu hũ chiên để khử hàn và tiêu hóa dầu mỡ. Đối với các món sushi, sashimi, gừng lát mỏng ngâm (gari) cũng là một món ăn kèm không thể thiếu giúp kháng khuẩn tự nhiên và làm sạch vòm miệng.
Củ cải trắng chứa nhiều vitamin A, B1, B2, C, canxi và sắt. Do đó, chúng trở thành món ăn kèm cùng các món ăn nhiều dầu mỡ như tempura. Mặc dù khi đun nấu, vitamin C sẽ bị phân hủy nhưng món củ cải trắng này vẫn tốt cho sức khỏe nhờ chứa nhiều enzyme tiêu hóa. Các món ăn phổ biến từ củ cải trắng gồm món hầm Oden (dùng củ cải ninh nhừ để lấy nước dùng), củ cải muối (Takuan), củ cải nghiền (Daikon Oroshi)...
Tương tự như củ cải trắng, trong tía tô cũng chứa nhiều vitamin tốt cho sức khỏe, làm tăng sự thèm ăn và hỗ trợ tiêu hóa. Đồng thời, với đặc tính kháng khuẩn, tía tô thường được ăn kèm với các món tươi sống như sashimi. Lá tía tô thơm, có vị cay nhẹ nên khi ăn cùng cá sống có thể át đi mùi tanh giống như mù tạt. Ngoài ra, trong các hộp cơm bento của Nhật Bản, người ta cũng dùng lá tía tô để ngăn thức ăn như một chất khử trùng tự nhiên, giúp thực phẩm luôn tươi và an toàn.
Đây là một trong những món ăn kèm phổ biến nhất. Giống hành lá Negi có vẻ ngoài bắt mắt, được sử dụng như rau xanh và do không có mùi hôi nên được người dân rất ưa chuộng. Bạn có thể tìm thấy chúng trong các món mì nóng, mì lạnh hoặc được thêm vào nước chấm để tăng thêm hương vị. Trong hành lá có chứa vitamin, canxi, giúp làm giảm mệt mỏi, mất ngủ và tăng cường lưu thông máu. Chúng thường được dùng trong ẩm thực như một món ăn kèm và trang trí cho món ăn thêm đẹp mắt.
Ngày nay, người ta thường dùng những tuýp wasabi bán sẵn như một loại gia vị giúp tăng hương vị cho món ăn. Tuy nhiên, nếu xét về độ thơm ngọt thì không thể so sánh được với rễ cây cải wasabi tươi vừa mới được nghiền. Loại cây này được trồng ở Nhật từ thế kỷ thứ 10. Không chỉ phần thân mà phần lá của wasabi đều có thể ăn được, giúp hỗ trợ đường hô hấp và làm giảm các triệu chứng lạnh thông thường. Nhờ có đặc tính kháng khuẩn nên wasabi thường được ăn cùng các món đồ sống như sashimi. Ngoài ra, một số nơi còn ăn wasabi cùng mì hoặc chế biến phần lá thành dưa chua.
Đây là một loại quả bản địa Nhật Bản, thuộc họ cam quýt. Do hương vị chua gắt nên người Nhật hiếm khi ăn chúng như một loại trái cây thông thường mà sử dụng làm gia vị, làm mứt hoặc dùng trang trí món ăn. Trong các món mì nóng, người ta thường nghiền mịn vỏ yuzu với ớt cay rồi cho vào nước dùng để tăng thêm hương vị. Ngoài ra, nước cốt yuzu còn được thêm vào nước tương shoyu để làm nước sốt hoặc pha với mật ong để làm món uống tốt cho sức khỏe.
Khác với gừng Shoga, gừng Myoga là loại gừng bản địa của Nhật Bản có nụ hoa và chồi cây ăn được. Loại gừng này rất giàu vitamin C, B1, B2, B6, chất xơ và canxi. Trong các món mì, canh miso, tempura... gừng Myoga được dùng như một loại gia vị, thường được cắt nhỏ nụ và chồi cây. Nhờ có hương thơm nồng nàn nên khi ăn, thực khách sẽ ngửi thấy mùi thơm khoan khoái, dễ chịu của chúng tỏa ra và làm món ăn thêm ngon miệng hơn.
Bình luận