4 món đặc sản Đồng Tháp không ăn là tiếc, số 3 đặc biệt được lòng các quý ông
- Quả Chanh Thành Tinh
- Đăng lúc: Thứ ba, 21/03/2023 11:01 (GMT +7)
Đồng Tháp có đặc sản gì? Hãy đọc bài viết này để biết về đặc sản Đồng Tháp và không lỡ những món ăn ngon bạn nhé.
1. Cơm gói lá sen
Nguyên liệu chính để chế biến món cơm gói lá sen là loại gạo huyết rồng nổi tiếng của các tỉnh miền Tây, hạt sen, muồi mè và những chiếc lá sen có kích cỡ khá lớn. Sau khi hái lá sen về, người ta sẽ mang chúng đi rửa sạch rồi để cho ráo nước và bọc các nguyên liệu đã chuẩn bị vào đem hấp chín. Tuỳ vào sở thích và khẩu vị, bạn có thể thêm vào cơm gói lá sen những nguyên liệu như trứng, đậu hà lan, nấm đông cô, cà rốt, lạp xưởng… để món ăn thêm phần hấp dẫn.
Nhờ sử dụng loại gạo huyết rồng mà món ăn sau khi nấu xong có màu đỏ khá đẹp mắt, hạt gạo mềm thơm và điểm xuyết chút màu đen của muối mè, màu trắng ngà của hạt sen. Bên cạnh cơm gói lá sen thì bạn cũng có thể thưởng thức một phiên bản “biến tấu” khác là cơm rang gói lá sen.
2. Bánh tằm bì Sa Đéc
Sở dĩ loại bánh này có cái tên đặc biệt như vậy là vì bánh được vo thành cọng dài khoảng 2 lóng tay với hình dáng khá giống con tằm. Bánh tằm ở đây được ăn kèm bì trộn thính dai dai và tỏi phi thơm nức mũi. Ngoài hai nguyên liệu chính là bánh tằm và bì thì món bánh tằm bì Sa Đéc còn được ăn cùng rau sống, mỡ hành, nước cốt dừa béo ngậy, đậu phộng bùi bùi và nước mắm cay nồng. Để món ăn bớt ngấy và thêm nhiều màu sắc thì người ta cũng cho thêm đồ chua làm từ củ cải, cà rốt bào mỏng.
3. Nem Lai Vung
Ban đầu, nem Lai Vung chỉ là một món ăn chơi của người dân xứ “sen hồng”, thế nhưng nhờ hương vị thơm ngon mà món ăn này đã nhanh chóng trở thành đặc sản được nhiều người mua về khi đến Đồng Tháp. Nem Lai Vung thường được gói bằng lá chuối với dạng hình vuông và buộc thành từng chục. Một chiếc nem ngon sẽ gồm có 8 phần thịt và 2 phần bì.
Nếu như thịt heo được mang đi giã nhuyễn thì bì heo được thái mỏng. Tiếp đó, họ trộn các nguyên liệu này cùng với tiêu ớt rồi lót lá vông và gói lại bằng lá chuối. Sau đó, người ta sẽ để nem khoảng 3 đến 4 ngày cho lên men rồi mới bỏ ra ăn dần. Khi ăn nem Lai Vung, chỉ cần lột bỏ lớp lá chuối bên ngoài, bạn sẽ nhìn thấy phần nem đỏ hồng bên trong với đủ hương vị chua cay mặn ngọt và chút sần sật, giòn dai của bì lợn.
4. Hủ tiếu Sa Đéc
Hủ tiếu là một món ăn quen thuộc với người dân Nam Bộ. Thế nhưng hủ tiếu Sa Đéc vẫn có những nét đặc trưng riêng mà không phải nơi nào cũng có. Món hủ tiếu Sa Đéc nổi bật với bánh hủ tiếu dai dai và nước lèo đậm đà.
Nhờ được làm từ bột gạo Sa Đéc trắng mịn, không bở mà sợi hủ tiếu ở đây trắng, thơm và dai hơn bình thường. Nước lèo được nấu từ xương ống và nêm nếm theo bí quyết riêng nên nước trong, thơm và rất ngọt. Hủ tiếu Sa Đéc có thành phần nguyên liệu rất đa dạng, trong đó phổ biến nhất là trứng cút, gan heo, xá xíu, thịt bằm, tôm tươi… và ăn cùng các loại rau thơm, giá hẹ… và tỏi ớt ngâm giấm.