5 trải nghiệm đáng đồng tiền bát gạo khi du lịch miền Tây Nam Bộ mùa nước nổi

Nếu có dịp du lịch miền Tây vào mùa nước nổi, bạn sẽ không thể bỏ qua những trải nghiệm thú vị dưới đây.

Hashtag: Du lịch miền Tây Đặc sản miền Tây

Hàng năm, cứ vào khoảng tháng 7 cho đến tháng 10 Âm lịch là khu vực Đồng bằng sông Cửu Long lại bước vào mùa nước nổi. Khi đó, , con nước từ thượng nguồn Mekong sẽ đổ về các tỉnh miền Tây để tạo thành một biển nước mênh mông. Đây là một trong những nét đặc trưng của miền Tây Nam Bộ. Vào mùa nước nổi, con nước cứ lên  từ từ mang theo một lượng lớn phù sa giúp đất đai nơi đây thêm màu mỡ. Bên cạnh đó, mùa nước nổi còn mang đến cho người dân miền Tây nhiều đặc sản như cá linh, bông điên điển, cá bông lau, bông súng…

Đặc biệt, mùa nước nổi cũng là khoảng thời gian giúp bạn có thể tham gia nhiều trải nghiệm thú vị như giăng lưới bắt cá linh, chèo thuyền hái bông điên điển hay khám phá các món đặc sản địa phương…

1. Đi bắt cá linh

Sẽ không quá lời nếu nói cá linh chính là một trong những món quà mà thiên nhiên ban tặng cho khu vực Đồng bằng sông Cửu Long vào mùa nước nổi. Những con cá linh có hình dáng không quá to nhưng lại nổi tiếng với thịt ngọt béo và xương mềm. Nếu có dịp đến miền Tây vào mùa nước nổi, bạn có thể tham gia trải nghiệm đánh bắt cá linh bằng nhiều cách như xây đáy, giăng lưới, cất vó… 

Mùa nước nổi miền Tây Nam Bộ thường mang theo khá nhiều cá linh.

Tuỳ vào kinh nghiệm và kỹ thuật của mỗi ngư dân mà người miền Tây sẽ có cách đánh bắt cá linh khác nhau. Thông thường, vì cá linh đầu mùa thường chỉ bé bằng đầu đũa nên người ta sẽ sử dụng hình thức đánh bắt chính bằng phương tiện đáy. Sau khi tìm được điểm trên sông hay kênh rạch, người ta sẽ dùng lưới có túi dài, to và có mắc nhỏ để giăng ngang ra bắt cá. Vào giữa mùa, cá sẽ lớn hơn nên được đánh bắt bằng dớn. Và đặc biệt cuối mùa nước nổi, cá linh thường khá lớn, vì vậy họ sẽ sử dụng vó, chài hoặc giăng lưới.

2. Chèo thuyền hái bông điên điển

Bên cạnh cá linh thì bông điên điển cũng là một đặc sản được nhiều người săn đón khi đến mùa nước nổi ở miền Tây. Điên điển là một loại cây hoang dã và có mùa thu hoạch bông vào khoảng tháng 8 đến tháng 11. Nhờ điểm đặc trưng này mà mỗi khi miền Tây ngập sắc vàng của bông điên điển thì cũng là lúc bắt đầu vào mùa nước nổi.  

Bông điên điển là một trong những đặc sản nổi tiếng vào mùa nước nổi ở miền Tây.

Vì vậy bạn có thể trải nghiệm hoạt động chèo thuyền hái bông điên điển cùng bà con miền Tây vào mùa nước nổi. Thông thường, họ sẽ hái những bông điên điển vàng ươm vào lúc chiều chạng vạng tối vì khi đó bông mới hé nhuỵ và còn tươi ngon. Bông điên điển thường được dùng để chế biến những món ăn như bánh xèo bông điên điển, canh chua bông điên điển, bông điên điển muối chua, bông điên điển xào…

3. Thăm quan rừng tràm Trà Sư – An Giang, búng Bình Thiên

Có lẽ vì mùa nước nổi được ví như “mùa sinh sôi nảy nở” ở miền Tây nên đây cũng là khoảng thời gian mà nhiều điểm du lịch khu vực đồng bằng sông Cửu Long như một bức tranh sông nước thu nhỏ. 

Rừng tràm Trà Sư ngập sắc xanh vào mùa nước nổi.

Đặc biệt, nếu có dịp đến các địa điểm như rừng tràm Trà Sư (An Giang), Búng Bình Thiên (An Giang), vườn quốc gia Tràm Chim (Đồng Tháp)… bạn sẽ không khỏi choáng ngợp với không gian nơi đây. Ngoài rừng tràm xanh ngắt rợp bóng hai bên, bạn còn có thể nhìn ngắm những loài chim, động vật hoang dã quý hiếm… ở cự ly gần. Bên cạnh đó, những chuyến tham quan này còn giúp bạn có cơ hội di chuyển trên những chiếc xuồng ba lá, thuyền thúng… các loại phương tiện di chuyển đặc trưng của bà con miền sông nước. 

Còn với Búng Bình Thiên, nước trong búng chỉ dâng lên hạ xuống mà không chảy, vì thế mặt búng Bình Thiên lúc nào cũng phẳng lặng như gương. Ngay cả vào mùa lũ, mặt nước trong hồ vẫn giữ được màu xanh ngắt.

Mặt hồ búng Bình Thiên phẳng lặng kể cả vào mùa nước nổi. Ảnh: Hổ Nhi.

4. Khám phá các vườn trái cây

Sẽ là thiếu sót lớn nếu như đến miền Tây Nam Bộ mùa nước nổi mà không đến thăm các vườn trái cây sai trĩu quả. Nhờ được thiên nhiên ưu đãi mà khu vực miền Tây Nam Bộ có rất nhiều các vườn trái cây nổi tiếng như miệt vườn Cái Bè (Tiền Giang), miệt vườn Cù lao Thới Sơn (Tiền Giang), vườn trái cây Vàm Xáng (Cần Thơ), miệt vườn Cái Mơn (Bến Tre), vườn trái cây Cù lao An Bình (Vĩnh Long), miệt vườn Cù lao Tân Quy (Trà Vinh), vườn dâu bác 5 Cảnh toạ lạc tại ấp Mỹ Thuận (An Giang)…

Các vườn trái cây miền Tây sai trĩu quả mùa nước nổi.

5. Thưởng thức đặc sản mùa nước nổi

Không chỉ bồi đắp thêm phù sa cho những cánh đồng mênh mông, mùa nước nổi còn mang đến cho bà con miền Tây không ít các đặc sản như cá linh, bông điên điển, bông súng, ếch đồng, cá rô đồng… 

Các món ăn từ bông điên điển và cá linh là đặc sản miền Tây mùa nước nổi.

Chính vì vậy, nếu có dịp đến miền Tây vào mùa nước nổi, bạn có thể thưởng thức nhiều đặc sản như lẩu cá linh bông điên điển, cá linh kho nước dừa, bánh xèo bông điên điển, bông súng mắm kho, cua đồng rang muối, cá lóc nứơng trui… Đặc biệt trong đó cá linh và bông điên điển là những đặc sản chỉ nhiều nhất vào mùa nước nổi ở miền Tây.

 

 

Bài liên quan

News feed