Miền Trung sau 3 cơn bão: Người và của trôi theo lũ, chỉ rác và bùn ở lại
- Thục Nhi
- Đăng lúc: Chủ nhật, 25/10/2020 12:20 (GMT +7)
Sau hơn nửa tháng bị “nuốt chửng” bởi cơn “đại hồng thủy” bà con các tỉnh miền Trung bắt đầu trở lại dọn dẹp và gây dựng mọi thứ từ đầu trên đống hoang tàn.
Thống kê từ Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai cho thấy, trong gần 1 tháng qua, 6 tỉnh miền Trung từ Hà Tĩnh đến Quảng Nam đã chịu ảnh hưởng trực tiếp 3 cơn bão (5,6,7) và 2 đợt áp thấp nhiệt đới, gây ra 2 đợt mưa lớn kéo dài.
Riêng Quảng Trị và Thiên Thiên Huế, lượng mưa đạt tới 2.500 mm, vượt đỉnh lũ lịch sử năm 1999. Lũ lớn và đặc biệt lớn xuất hiện trên 16 tuyến sông trên khu vực, gây ngập lụt trên phạm vi rộng, ảnh hưởng tới 317.597 hộ dân với 1,2 triệu người tại 427 xã thuộc 6 tỉnh từ Hà Tĩnh đến Quảng Nam.
Đây cũng là đợt lũ kéo dài nhất từ trước tới nay với 15 ngày liên tục.
Mưa lũ cũng gây ra sạt lở núi, khiến hàng chục người thiệt mạng. Các huyện vùng núi ở Huế, Quảng Trị, Quảng Bình đã xảy ra 268 điểm sạt lở, trong đó có một số địa điểm sạt lở nghiêm trọng như Thủy điện Rào Trăng 3, Trạm kiểm lâm số 67 (tỉnh Thừa Thiên Huế) và địa bàn xã Hướng Việt, huyện Hướng Hóa, tỉnh Quảng Trị.
Sau trận ngập lụt lịch sử này, hàng trăm nghìn người dân miền Trung giờ trắng tay. Thứ còn lại chỉ là bùn đất, rác thải cùng sự nghèo khổ, mất mát. Nhìn sự tàn khốc mà bão lũ để lại ai cũng xót xa.
Quảng Trị là nơi ảnh hưởng và chịu thiệt hại nặng nề nhất về người và của do mưa lớn gây ngập lụt trên diện rộng ở tất cả các huyện, thị xã, thành phố. Từ ngày 7/10 đến ngày 22/10, lũ lụt đã khiến 98 trong tổng số 124 xã, phường, thị trấn của tỉnh bị ngập lụt, chia cắt. Toàn tỉnh Quảng Trị có trên 61.000 hộ với gần 194.000 người bị ảnh hưởng nghiêm trọng bởi lũ lụt. 50 người chết, 4 người mất tích, 25 người bị thương, gần 1.400ha ao hồ nuôi thủy sản bị cuốn trôi và hơn 2.500ha rau màu bị hưa hại hoàn toàn do ngập lụt. Các tuyến Quốc lộ 15D, 9D, 49C, 9, đường Hồ Chí Minh nhánh Tây và các đường liên huyện, liên tỉnh bị sạt lở đặc biệt nghiêm trọng, nhiều tuyến vẫn chưa thể khắc phục sự cố.
Còn ở Quảng Bình, cơn “đại hồng thủy” gần như “nuốt chửng” cả một vùng với gần một tuần chơi vơi trong biển nước. Theo thống kê ban đầu, toàn tỉnh Quảng Bình có 8 người chết, 40 người bị thương. Một trong những vùng bị ngập nặng nhất, gần như 100% hộ dân bị lũ nhấn chìm nhà cửa và tài sản là huyện Lệ Thủy.
Ông Đặng Đại Tình, Chủ tịch UBND huyện Lệ Thủy, tỉnh Quảng Bình cho biết: “Toàn bộ 26 xã, thị trấn trên toàn huyện bị ngập trong lũ, trong đó điểm ngập sâu nhất 4,8m vượt tất cả các đỉnh lũ trước đây, khiến 32.000 hộ dân bị ngập sâu. Chúng tôi đã huy động toàn bộ lực lượng, phương tiện hỗ trợ giúp dân sơ tán, cao điểm có ngày sơ tán 1600 hộ dân, xong vẫn không kịp trở tay với lũ.
Theo ông Tình, hiện vẫn còn 1.000 hộ dân ở vùng trũng vẫn chịu cảnh ngập tứ phía do lũ rút chậm. Lực lượng chức năng cùng các đoàn tài trợ đồ ăn, thức uống đã tiếp cận nhà dân để chống cái đói cho dân và thu dọn đồ đạc, nước rút đến đâu dọn dẹp đến đó.
Hà Tĩnh là địa phương bị lũ bao vây sau 3 tỉnh Quảng Bình, Quảng Trị và Thừa Thiên Huế. Tuy nhiên, cơn lũ đến quá nhanh và đột ngột trong đêm đã khiến hàng vạn nhà dân bị nhấn chìm. Chánh văn phòng Ban chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Hà Tĩnh Ngô Đức Hợi cho hay: Thời điểm cao nhất có 118 xã, phường, thị trấn với 41.252 hộ dân của 11 huyện, thành phố bị ngập lụt.
Cẩm Xuyên là địa bàn chịu ảnh hưởng nặng nhất của Hà Tĩnh. Phó Chủ tịch UBND huyện Cẩm Xuyên Phạm Hoàng Anh cho hay: Ngoài lượng mưa dồn dập thì lượng nước lớn từ hồ Kẻ Gỗ xả tràn khiến nước lũ lên quá nhanh, gây ngập 150 thôn của 19 xã, thị trấn. Đặc biệt, 7 xã Cẩm Mỹ, Cẩm Duệ, Cẩm Thành, Cẩm Vịnh, Cẩm Thạch, Cẩm Quang, Cẩm Quan bị ngập sâu và cô lập hoàn toàn. Thống kê hiện tại, Hà Tĩnh có 6 người tử vong.
Sau 6 ngày bị lũ nhấn chìm, “tâm lũ” Cẩm Xuyên, Hà Tĩnh vẫn còn nhiều nhà dân bị cô lập. Nước rút đến đâu, người dân dọn dẹp đến đó. Nước sạch chưa có giọt nào, dân vùng lũ phải xách từng xô nước lũ đục ngầu, hôi hám để rửa bát, lau dọn đồ đạc.
Ngày 24/10 Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã có mặt tại Quảng Bình và các tỉnh khác để làm việc với lãnh đạo chính quyền địa phương, các đơn vũ trang tại các tỉnh miền Trung về công tác khắc phục hậu quả mưa lũ và tìm kiếm cứu nạn.
Tại các buổi làm việc, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc gửi lời hỏi thăm ân cần của Đảng, Nhà nước, Chính phủ, Quốc hội, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các cơ quan Trung ương đến chính quyền, đồng bào, chiến sĩ các tỉnh miền Trung, đặc biệt là những gia đình có cán bộ hy sinh khi làm nhiệm vụ; người bị chết do thiên tai, lũ lụt gây ra.
Thủ tướng đánh giá cao sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị, chính quyền địa phương, lực lượng vũ trang trong công tác triển khai các biện pháp ứng phó, khắc phục hậu quả thiên tai. Trong đó, chính quyền địa phương các tỉnh, các đơn vị của Bộ Quốc phòng; Bộ Công an, các lực lượng liên quan đã chấp hành nghiêm sự chỉ đạo của Chính phủ trong giúp dân ứng phó với mưa lũ vì vậy mà đã giảm được thiệt hại cho nhân dân.
“Qua đợt thiên tai cũng thấy được tinh thần "tương thân, tương ái" của đồng bào, nhân dân ta đã chung tay chia sẻ khó khăn với đồng bào các tỉnh miền Trung”, Thủ tướng nói.
Đến thời điểm hiện tại, người dân miền Trung chịu mất mát lớn lao với 119 người chết, 21 người mất tích, nhiều cơ sở hạ tầng bị hư hỏng nặng, trường học bệnh viện vẫn chưa thể tái hoạt động, nhiều khu vực vẫn còn bị cô lập, nông dân mất sạch hạt giống, vật nuôi, cây trồng, trẻ con không có áo quần sách vở để trở lại trường.
Thủ tướng Chính phủ đã quyết định tạm cấp 500 tỷ đồng từ nguồn dự phòng ngân sách Trung ương năm 2020 bổ sung kinh phí cho 5 tỉnh miền Trung, mỗi tỉnh 100 tỷ đồng (Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế, Quảng Nam) để thực hiện nhiệm vụ cứu hộ, cứu nạn, chính sách an sinh xã hội và khắc phục hậu quả thiên tai theo chế độ, chính sách của Nhà nước.