Bánh cuốn Phú Thị, món ăn dân dã mà nhớ dài lâu của Hưng Yên
- Hà My
- Đăng lúc: Thứ sáu, 11/02/2022 15:19 (GMT +7)
Dù không hào nhoáng, cầu kì như những món ăn khác, bánh cuốn Phú Thị mộc mạc, đơn giản, nhưng một khi đã nếm thử thì chắc chắn sẽ không thể nào quên được.
Bánh cuốn là món bánh phổ biến tại Việt Nam. Cùng một tên, thế nhưng bánh cuốn mỗi nơi mỗi khác. Chẳng hạn, bánh cuốn Thanh Trì Hà Nội tráng mỏng tang mỗi lớp thoa chút mỡ hành để dễ bóc, khi ăn chỉ cần chấm với nước mắm pha chua ngọt, điểm thêm tí hành phi giòn rụm, ít lá mùi, kinh giới. Hay như bánh cuốn Cao Bằng thì chấm với nước xương ninh nóng hổi, thích thì thêm chút măng ngâm chua lạ miệng.
Nói đến bánh cuốn, nhiều người cũng dành sự ưu ái cho bánh cuốn Phú Thị của Hưng Yên. Bánh cuốn Phú Thị rất có nét riêng, không tráng thành tấm mỏng to bản mà cuốn lại sau khi tráng. Thoạt nghe qua khi kiểu bánh cuốn này giống bánh cuốn nóng ở nhiều nơi, nhưng thực tế bánh cuốn Phú Thị tráng dày hơn, nhân chỉ là thịt băm xào, khi cuốn chặt tay nên nhìn như thuôn dài như những búp măng.
Từ Hà Nội, chỉ cần men theo con đê sông Hồng, chạy xe chừng 45 phút là bạn sẽ dừng chân tại mảnh đất Mễ Sơn, Văn Giang, Hưng Yên. Bên cạnh những khu di tích lịch sử lâu đời và có giá trị ngàn năm như chùa Phú Thị, chùa Mễ Sở, bạn còn có cơ hội được thưởng thức các món ngon đặc sản ở nơi đây, trong đó nhất định không nên bỏ qua bánh cuốn của làng Phú Thị.
Đây là vùng có tới 70% đất canh tác để dùng cho nông nghiệp và nhiều loại thực phẩm khác được thiên nhiên ưu ái ban tặng. Cũng từ đó, những hạt gạo trắng ngần, tròn mẩy để chế biến thành bánh cuốn Phú Thị đã ra đời.
Bánh cuốn Phú Thị ở nơi đây có nét riêng biệt mà khó có thể nhầm lẫn với bất cứ loại bánh cuốn ở bất cứ nơi nào. Dù đều được làm từ bột gạo tẻ, thế nhưng trong khi bánh cuốn Thanh Trì được người làm tráng mỏng giống như một tờ giấy thì bánh cuốn Phú Thị lại có phần bánh cực dày dặn.
Nếu như bạn đã từng ăn phở cuốn thì sẽ thấy lớp bánh cuốn Phú Thị cũng sẽ dày giống như lớp bánh phở cuốn vậy. Để có được lớp bánh cuốn như Phú Thị, bánh phải được tráng tới hai lần thì mới đạt được độ dày nhất định, nhưng vẫn đảm bảo được độ mềm, mịn mà không sợ bị vỡ, bở.
Bánh cuốn Phú Thị được chế biến từ loại bột gạo tám xoan. Gạo sẽ được ngâm cùng với nước chừng 2 - 3 tiếng sau đó đem đi xay nhuyễn rồi mới bắt đầu tráng bánh. Một điều đặc biệt đó là vỏ bánh cuốn sẽ không được quét lên một lớp mỡ mỏng như những loại bánh cuốn khác mà chúng ta thường thấy. Cũng chính vì lẽ đó, mà bánh cuốn Phú Thị không có độ bóng và khi thưởng thức, người ăn dù có ăn nhiều đến mấy cũng không có cảm giác bị ngấy, ngán.
Thêm vào đó việc chỉ dùng mỗi thịt nạc làm nhân cũng khiến người ăn sẽ dễ dàng cảm nhận được độ ngon, ngậy và thơm của vỏ bánh và nhân thịt. Một yếu tố cuối cùng nhưng cũng không kém phần quan trọng, đó chính là nước chấm. Vẫn là nước mắm, giấm, ớt nhưng người ta sẽ bỏ vào thêm một chút thịt bằm nữa.
Để có thể thưởng thức được món bánh cuốn Phú Thị ngon chuẩn vị, bạn hãy ghé đến ngôi làng Phú Thị (Mễ Sở, Văn Giang, Hưng Yên). Khi có thực khách đến gọi món, chủ quán mới bắt đầu tráng bánh và bưng ra khi còn nóng hổi. Cũng nhờ có vậy mà người ăn sẽ dễ dàng cảm nhận được hương vị thơm ngon, hấp dẫn ở trong từng miếng bánh. Tuy nhiên bánh cuốn Phú Thị ăn nguội cũng rất ngon, bánh vẫn dẻo thơm, đậm đà.
Bánh cuốn Phú Thị thường gói thành từng chục, trong lá dong hoặc lá chuối để vừa đảm bảo vệ sinh, tiện mang đi mà vẫn giữ cho bánh được mềm. Nếu có dịp tới Mễ Sở, bạn nhất định hãy thử món bánh cuốn Phú Thị mộc mạc và khó quên này nhé!