Bánh tro, món bánh dù giàu dù nghèo ai cũng sắm nhân ngày Tết Đoan Ngọ
- Huyền Nguyễn
- Đăng lúc: Thứ hai, 14/06/2021 07:42 (GMT +7)
Vào ngày 5/5 Âm lịch, nhà nhà đều quây quần bên mâm cúng Tết Đoan Ngọ với đủ loại hoa quả, bánh trái. Trong đó, không thể không nhắc đến bánh tro/ bánh gio.
Tết Đoan Ngọ là ngày Tết cổ truyền của người Việt diễn ra vào ngày 5/5 Âm lịch hàng năm. Ở Việt Nam, ngày này còn được biết đến với tên gọi "Tết giết sâu bọ".
Dù phần lễ lạt của Tết Đoan ngọ có phần đơn giản hơn các dịp lễ Tết nhưng đến ngày này, người người, nhà nhà cũng đều chuẩn bị mâm cúng với hoa quả, bánh trái và đặc biệt là thưởng thức cơm rượu nếp, bánh tro (hay còn gọi là bánh gio, bánh ú tro) vào buổi sáng để diệt trừ sâu bọ, bệnh tật trong người.
Bánh tro được làm từ 2 nguyên liệu chính: gạo nếp và tro. Tuy nhiên, không phải loại tro nào cũng có thể làm được bánh mà phải dùng tro lá tầm gửi, lá găng, thân lá cây vừng phơi khô hoặc tro của hạt xoan chín, tro rơm nếp. Sau đó, người ta sẽ dùng tro hòa tan với nước cho đến khi lắng rồi ngâm cùng gạo nếp cái hoa vàng. Khi đó, gạo sẽ có màu vàng hổ phách đẹp mắt và hương vị độc đáo không thể lẫn vào đâu được.
Tùy theo từng vùng miền mà bánh tro có thể làm nhân mặn, nhân ngọt hoặc không nhân. Nếu loại bánh chay không nhân thì chỉ cần gói với gạo nếp, luộc bánh là xong. Tuy nhiên, nếu làm nhân mặn hoặc nhân ngọt sẽ mất nhiều thời gian hơn. Đối với nhân ngọt thường dùng đậu xanh, bí đỏ, mứt bí đao, sầu riêng sên chín, vo tròn rồi bỏ vào nhân bánh. Còn đối với nhân mặn thường dùng thịt mỡ hoặc lòng đỏ trứng muối, chấm kèm tương ớt ngọt và đậu phộng giã thô.
Ngoài ra, theo truyền thống làm món bánh tro thì phải cần đến những lá tre bản to để gói bánh. Lúc này, người ta chỉ cần cuốn một phần lá tro rồi cho gạo vào, dùng lạt gói lại là xong. Tuy nhiên thời hiện đại, lá tre to khó kiếm nên người ta có thể thay bằng lá dong, lá chuối.
Muốn bánh có màu nâu vàng đẹp mắt, nhiều nơi còn lấy măng vòi lóp vào đáy nồi rồi mới đổ nước lên trên. Bánh luộc từ 1-2 tiếng là có thể vớt ra, để nguội và chấm cùng mật mía hoặc tương ớt.
Do chứa nhiều nguyên liệu có tính âm nên bánh tro có tính mát, dễ ăn, dễ tiêu, thích hợp với cả người già lẫn trẻ nhỏ. Đặc biệt là trong ngày Tết Đoan Ngọ, thời tiết nóng nực, khó chịu thì ăn bánh tro sẽ giúp cân bằng, thanh nhiệt, giải độc cho cơ thể. Mặc dù ngày nay, việc làm bánh tro không còn quá phổ biến nhưng bạn hoàn toàn có thể mua loại bánh này trong ngày 5/5 Âm lịch để thưởng thức cũng như giữ gìn nét đẹp văn hóa của dân tộc.