Body shaming là gì? Ý nghĩa của body shaming
- Alice Pham
- Đăng lúc: Thứ năm, 09/12/2021 17:02 (GMT +7)
Body shaming là vấn nạn phổ biến ở xã hội hiện tại. Thuật ngữ này dần trở thành nỗi khiếp sợ của nhiều người.
Nội dung chính
Body shaming đang là thuật ngữ được sử dụng rất nhiều trên các mạng xã hội hiện nay, và đây được coi là một vấn đề nghiêm trọng cần đáng lên án. Vậy body shaming là gì? Hậu quả của body shaming và thực trạng này tại Việt Nam như thế nào? Hãy cùng tìm hiểu trong bài viết dưới đây nhé!
>> Xem thêm: Crush nghĩa là gì? You are my crush nghĩa là gì?
1. Body shaming là gì?
Body shaming là cụm từ tiếng Anh, được hiểu nôm na là hành động "miệt thị ngoại hình" của người khác. Đây là hình thức sử dụng những ngôn ngữ thiếu tích cực như đánh giá, phán xét, chê bai ác ý về ngoại hình của người khác, khiến đối tượng ấy cảm thấy bị xúc phạm, dần dần bị ám ảnh và suy sụp tinh thần nghiêm trọng.
Trong cuộc sống hiện đại, cùng với sự phát triển của công nghệ tiên tiến, tiêu chuẩn cái đẹp và hình thể của con người, nhất là thế giới trẻ ngày càng trở nên gắt gao hơn. Đôi khi chỉ vì một khuyết điểm nhỏ, hoặc lỡ đi ngược lại chuẩn mực của xã hội, bạn cũng có thể bị đem ra để bàn tán và chế giễu. Đó chính là một dạng của Body Shaming. Đôi khi những câu nói bông đùa đơn giản như "béo như lợn", "xấu như ma", "đồ mặt mụn"... lại vô tình trở thành body shaming.
2. Có những hình thức body shaming nào?
Body shaming thường xuất hiện dưới hình thức những lời nói tiêu cực khiến người nghe cảm thấy bị tổn thương tinh thần. Có rất nhiều kiểu body shaming bằng lời nói đang tồn tại ngoài xã hội và trên MXH. Trong đó phổ biến nhất là:
+ Miệt thị vóc dáng: Đây là kiểu body shaming dễ gặp nhất. Đó có thể đơn giản là những câu chê người khác béo, gầy, lùn, dáng đi xấu... Vd: "Gầy như nghiện" hay "béo như lợn".
>> Xem thêm: Nữ diễn viên Hương vị tình thân công khai hình ảnh xấu nhất, lên tiếng về vấn nạn body shaming
+ Miệt thị làn da: Chê bai, chế giễu về làn da của người khác, chẳng hạn như "da nhiều mụn nhìn sợ", da đen như châu Phi…
+ Miệt thị các đặc điểm trên khuôn mặt (Face shaming): Trường hợp này để diễn tả trường hợp một người nào đó bị chê bai về các đặc điểm trên khuôn mặt của họ như mắt hí, mũi to, môi thâm, gò má cao, răng hô…
Ngoài hình thức lời nói, xã hội ngày nay còn xuất hiện thêm nhiều dạng body shaming khác. Đôi khi những hình ảnh ghép hay bản nhạc mang tính chất so sánh cũng là một hình thức của body shaming. Thời gian gần đây, người ta thường bắt gặp tình trạng body shaming diễn ra nhan nhản đằng sau những bình luận trên mạng xã hội về một đối tượng nào đó.
3. Ai là người dễ bị body shaming?
Nếu như trước đây body shaming thường nhắm đến những người có ngoại hình quá khổ hay khiếm khuyết trên cơ thể, thì ngày nay, bất cứ ai cũng có thể là "nạn nhân" của body shaming. Tuy nhiên điển hình nhất vẫn là những người nổi tiếng khi họ có tầm ảnh hưởng và nhận được nhiều sự quan tâm từ mọi người.
4. Thực trạng body shaming ở Việt Nam
Body shaming là tình trạng xảy ra ở nhiều nước trên thế giới, trong đó có Việt Nam. Dù được xem là nước nước có nền văn hóa phát triển nhưng thực tế nạn body shaming vẫn xuất hiện như "cơm bữa" ở nước ta. Trên các diễn đàn MXH, không ít cư dân mạng đã buông những lời bình luận dè bỉu, ảnh hưởng tới hình tượng và danh dự của người khác.Thậm chí ngày càng nhiều người nổi tiếng, ngôi sao bị chỉ trích nặng nề về ngoại hình.
Điển hình như ở vòng chung kết Vietnam’s next top model 2017, chỉ vì sở hữu thể hình quá gầy mà thí sinh Cao Ngân đã liên tục bị cư dân mạng mỉa mai chế giễu là "bộ hài cốt di động".
Trước những tác hại nghiêm trọng mà body shaming để lại, pháp luật Việt Nam đã ban hành những quy định liên quan tới vấn đề này trong nội dung của Điều 20 trong Hiến pháp năm 2013, nhằm bảo vệ mọi người trước những lời chế giễu, phán xét, bình luận của người khác.
Theo đó, tất cả mọi người đều không được phép dùng lời nói khó nghe để miệt thị nhân phẩm, ngoại hình của người khác, dù đó có là bạn bè, người thân hay đồng nghiệp của bạn. Trong trường hợp vi phạm, những người thực hiện ngôn từ body shaming sẽ bị phạt nhẹ từ 100 - 300 nghìn đồng. Trường hợp gây ra những tổn thương nặng cho người nghe như khiến họ bị rối loạn tinh thần, tự tử thì sẽ bị phạt tới 30 triệu đồng cùng mức phạt ngồi tù tới 5 năm.
5. Tác hại của body shaming
Những nạn nhân body shaming không những sẽ cảm thấy tinh thần tồi tệ, mà còn trở nên tự ti, khép kín hơn. Họ sẽ dành ra thời gian ở trong phòng một mình để soi xét những khiếm khuyết của chính mình. Dần dần, những cảm xúc tiêu cực sẽ dồn lại, khiến họ luôn cảm thấy mặc cảm, tự ti, ngại giao tiếp và dần xa lánh người khác. Trường hợp nặng hơn, có thể khiến họ rơi vào trạng thái trầm cảm hay tự tử.
Ngoài ra, một hậu quả khác mà body shaming mang lại chính là khiến nạn nhân bất chấp mọi cách để làm đẹp khi quá ám ảnh với những lời chê bai ngoại hình từ người khác. Họ sẽ tìm đến mọi phương thức khác nhau để khiến bản thân mình đẹp lên và lấy lại tự tin, bên cạnh những biện pháp an toàn thì cũng không ít những cách nguy hiểm và phản khoa học như giảm cân bằng cách nhịn ăn, phẫu thuật thẩm mĩ tại những cơ sở không uy tín,… gây tổn hại không nhỏ đến sức khỏe và cả tính mạng.
6. Làm thế nào để vượt qua nỗi sợ body shaming?
Nhận thức được rằng "không ai hoàn hảo"
Để không bị body shaming giày vò bản thân, điều đầu tiên bạn hãy tập ý thức được rằng, chẳng có ai là hoàn hảo trên trái đất này. Không ai có quyền quyết định mình sinh ra đẹp hay xấu, vóc dáng ra sao. Đặc biệt, mỗi người sinh ra đều có nét đẹp riêng, không có bất kỳ quy chuẩn nào áp đặt lên người bạn được.
Thay vì tự miệt thị chính mình, hãy bỏ ngoài tai những lời miệt thị đó và nhìn nhận những điểm tốt của chính mình, đôi khi những điểm tốt đó lại khiến bạn trở nên đặc biệt hơn những người xung quanh. Nên nhớ rằng bản thân chúng ta cũng không nên body shaming lại người khác để trả đũa, mà chỉ cần sống đúng với chính bản thân mình, với những thứ mà bạn cho rằng là hoàn hảo.
Tự chăm sóc bản thân
Thực tế, nhiều người trong chúng ta rất khó bỏ ngoài tai những lời chê bai, miệt thị về ngoại hình. Tuy nhiên, một cách tốt hơn để bạn có thể tốt lên chính là học cách chăm sóc bản thân mình tốt hơn, yêu thương bản thân mình hơn, điều này sẽ giúp bạn tiếp nhận những lời nói tiêu cực sẽ nhẹ nhàng hơn rất nhiều.
Bạn có thể chia thời gian trong ngày để chăm sóc bản thân như:
- Thiết lập chế độ ăn uống khoa học
- Thường xuyên rèn luyện thể dục thể thao, tập yoga, thiền...
- Tham gia các hoạt động ngoài trời, đọc sách, giao tiếp nhiều hơn để suy nghĩ không bị rập khuôn
Thẳng thắn thể hiện cảm xúc bản thân
Body shaming là vấn đề đáng lên án trong toàn xã hội hiện nay. Chính vì thế khi gặp phải tình huống này, dù là nạn nhân, hay người ngoài cuộc, bạn cũng đừng nên im lặng. Thay vào đó hãy mạnh dạn lên tiếng, thẳng thắn thể hiện cảm xúc bản thân.
Ngoài ra, hãy thay đổi không khí u ám xung quanh mình bằng việc rủ bạn bè đi đâu đó, tâm sự về những điều khó nói. Khi được trải lòng, thì những suy nghĩ tiêu cực của bạn tức khắc sẽ được giải phóng.