Bún bì, món ăn dân dã, lạ miệng của sông nước miền Tây Nam Bộ
- Min Xu
- Đăng lúc: Thứ bảy, 03/07/2021 15:28 (GMT +7)
Bún bì là một trong những món bún khá phổ biến ở miền Tây. Bún bì là sự kết hợp hài hoà của nhiều nguyên liệu đơn giản và chén nước chấm chua ngọt đậm đà.
Chỉ với nguyên liệu chính là những sợi bún tròn trịa, trắng mềm, người Việt đã nghĩ ra vô vàn món bún hấp dẫn và mang đậm nét đặc trưng của từng vùng miền. Miền Bắc nổi tiếng với bún thang, bún chả... miền Trung nổi tiếng với bún bò Huế thì khi nhắc đến miền Tây, người ta sẽ không thể quên món bún bì bình dị nhưng thơm ngon vô cùng.
Một tô bún bì “đạt chuẩn” sẽ gồm có bốn tầng nguyên liệu chính là bún, bì, thịt và rau sống, khi ăn người ta sẽ chan vào một chút nước mắm chua ngọt để tăng vị đậm đà. Vì khá đơn giản và nhanh gọn nên bún bì luôn nằm trong danh sách những món điểm tâm được yêu thích nhất của người miền Tây.
Là nguyên liệu chính của một tô bún bì, sợi bún đóng vai trò rất quan trọng trong sự đặc biệt của món ăn. Sợi bún này thường phải là bún tươi, so với những sợi bún thông thường thì nó khá to và dai. Đặc biệt, nếu sợi bún càng dai thì sẽ càng ngon vì bạn có thể ăn nhiều mà không lo ngán.
Bên cạnh đó, bì cũng là một nguyên liệu để quyết định độ ngon của một tô bún bì. Thường thì người nấu sẽ chọn mua phần thịt và da ở đùi heo, chỗ có phần thịt hồng tươi và da không bị thâm. Phần da sau khi được làm sạch lông sẽ được đem luộc cùng vài lát gừng tươi khử mùi và đem cắt thành những sợi dài mỏng. Còn phần thịt sẽ được đem ướp gia vị thật đều, đem ram cháy cạnh và mang đi cắt sợi. Khi trộn phần da và thịt đã được chế biến này với thính ( gạo rang vàng rồi xay nhuyễn) bạn sẽ có phần bì vàng óng, phần thịt ngọt và thơm lừng để kết hợp với bún.
Sau khi đã chuẩn bị xong những nguyên liệu quan trọng nhất của món ăn và bún và bì, người ta sẽ chẩun bị thêm rau sống và đồ chua để tô bún tăng thêm hương vị mà không ngấy. Những loại rau sống thường được sử dụng là rau thơm, xà lách, dưa leo, diếp cá… còn phần đồ chua là củ cải và cà rốt đem bào sợi nhỏ rồi ngâm chua ngọt. Ngoài ra, bạn còn có thể thêm vào nhiều topping như: nem nướng, nem rán, thịt nướng… để tô bún tăng thêm màu sắc và có hương vị phong phú hơn.
Sẽ rất thiếu sót nếu không kể đến chén nước mắm chua ngọt, thanh thanh rưới vào tô bún trước khi ăn. Để làm được món bún này, người miền Tây đã phải chuẩn bị khá công phu và tỉ mỉ. Chanh sau khi được tách rời từng múi, từng tép thì đem đi giã lấy nước cốt, sau đó cho thêm vào nước mắm, tỏi ớt và đường theo những tỉ lệ riêng để chén nước chấm có đủ vị chua, cay, mặn, ngọt.
Khi thưởng thức, người ta thường xếp bún, bì, thịt, rau sống, đồ chua… vào tô rồi rắc thêm chút đậu phộng rang béo ngậy và chan nước mắm chua ngọt. Thường khi ăn bún bì, người ta luôn húp cả phần mắm chan để cảm nhận được hết hương vị độc đáo của món ăn này.