Cà phê vợt, thức cà phê đại diện cho văn hóa đường phố của Sài Gòn xưa
- Huyền Nguyễn
- Đăng lúc: Thứ sáu, 12/03/2021 14:29 (GMT +7)
Chẳng xô bồ, chẳng tấp nập, khách đến cà phê vợt chỉ để thưởng thức hương vị xưa, tìm một chốn không gian hoài niệm, bình yên giữa Sài Gòn ồn ã.
Việt Nam là một nước nổi tiếng về cà phê với những món cà phê đã lọt top cà phê độc đáo trên thế giới. Nếu như Hà Nội nổi tiếng với cà phê trứng thơm lừng thì Sài Gòn lại được biết đến với cà phê vợt. Được du nhập vào nước ta từ rất sớm, ban đầu, cà phê vợt chỉ dành cho giới thượng lưu nhưng theo thời gian, thức uống này trở nên bình dân, len lỏi vào mọi tầng lớp, xuất hiện trên mọi nẻo đường. Không chỉ những người lớn tuổi mà đối với nhiều bạn trẻ, cà phê vợt là điểm dừng chân thân thuộc khi muốn tìm một nơi bình yên sau một ngày dài vội vã.
Cà phê vợt là gì? Nguồn gốc của cà phê vợt
Cà phê vợt, hay còn được gọi là cà phê bít tất, cà phê kho, được đặt tên theo cách pha của loài cà phê này. Cái tên này ra đời từ cách thức pha chế của cà phê. Cụ thể cà phê được xay nhuyễn, lọc qua vợt bằng vải the dài như bít tất, ủ trong siêu thuốc bắc. Thứ nước đầu này tiếp tục được đem đun sôi liu riu trên bếp than. Vì vậy, cách pha cà phê này đòi hỏi sự tỉ mỉ nhiều hơn so với cà phê phin. Có lẽ vì thế mà cà phê vợt sở hữu hương vị rất đặc trưng, thơm mùi cà phê nguyên chất, hậu vị ngọt béo.
Du nhập vào Sài Gòn từ thập niên 90 nhờ những người dân lao động gốc Hoa ở quận 5, cà phê vợt được coi là sự giao thoa giữa văn hóa Sài Gòn và văn hóa Trung Hoa. Thời điểm này, hầu như quán cà phê nào cũng đông khách và hương cà phê đã trở thành thói quen, ký ức của người dân khu phố thị bậc nhất.
Ngày nay, sự phát triển ngày càng tiến bộ, cà phê phin và cà phê pha máy thống lĩnh thị trường cà phê. Nhưng cà phê vợt vẫn nép mình trên một vài con phố nhỏ, người ta vẫn tìm đến đây như tìm về miền ký ức về Sài Gòn xưa và trải nghiệm văn hóa đường phố một thời huy hoàng ấy.
Cách pha chế cà phê vợt đậm đà hương vị xưa
Không giống cà phê phin và cà phê pha máy, cà phê vợt đòi hỏi người pha chế phải tỉ mỉ từng chút một. Cách thông dụng nhất là sử dụng những chiếc vợt làm bằng tấm vải the thưa, dài thay thế cho phin. Đặc biệt, vợt cà phê không nên giặt bằng xà phòng vì sẽ làm mất mùi đặc trưng, chỉ cần rửa bằng nước sạch là được. Sau đó, trước khi pha, chủ quán sẽ trụng sạch chiếc vợt này bằng nước sôi rồi đỏ cà phê xay nhuyễn vào. Để cà phê đều vị, chủ quán sẽ dùng muỗng khuấy vài lần rồi mới đậy nắp lại.
Đặc biệt, siêu để đun cà phê phải là siêu đất mới giữ trọn vẹn được hương thơm. Cà phê sau khi đun sôi sẽ được ủ từ 5 đến 10 phút rồi đổ ra ấm sắt cho ra hết vị và để dễ dàng sử dụng. Trong trường hợp khách muốn uống cà phê vợt nóng, chủ quán sẽ đun ấm sắt trên lửa nhỏ liu riu.
Cuối cùng, trước khi rót cà phê ra ly, chủ quán sẽ trần sơ ly thủy tinh qua nước sôi để xua đi mùi nước máy còn bám lại rồi mới rót cà phê vào. Khi dùng, bạn có thể cho thêm chút đường rồi khuấy đều và nếm thử hương vị cà phê tinh khiết lúc còn nóng. Nhấp một chút cà phê rồi từ từ cảm nhận hương thơm xông lên từ hốc mũi, vòm hỏng và lan tỏa lên đến đỉnh đầu.
Cà phê vợt, nét văn hóa đường phố đặc trưng của Sài Gòn xưa
Chẳng đậm đà như cà phê phin, chẳng béo ngậy như cà phê trứng, tuy nhiên, cà phê vợt lại mang đến hương vị vô cùng khác biệt với hương cà phê nguyên chất tinh tế, hậu vị thanh tao. Đối với những người quen uống cà phê đậm có thể sẽ cảm thấy cà phê vợt có đôi chút nhạt nhòa. Nhưng hãy thưởng thức thật kỹ, nhấm nháp từng chút một sẽ cảm thấy mùi khét khét ấy rất dễ chịu, sự nhạt nhòa ấy rất tao nhã.
Chẳng máy lạnh, chẳng wi-fi, chẳng không gian sang chảnh, thế nhưng, người ta vẫn đến cà phê vợt để cảm nhận những nét văn hóa đường phố đặc trưng. Từ những cụ già tóc bạc phơ đang đọc báo cho đến những người trẻ đến trải nghiệm cái "hồn" của văn hóa cà phê thời trước. Vì vậy, người ta còn nói rằng, đến thưởng thức cà phê vợt Sài Gòn là bạn có thể nhìn thấy cả một xã hội thu nhỏ. Và giữa nhịp sống vội vàng, hối hả, hình ảnh mọi người ngồi bên tách cà phê vợt cạnh lò đun nghi ngút khói để trở thành một nét duyên thầm trong đời sống văn hóa vốn đã phong phú của Sài Gòn.
Một số quán cà phê vợt ở Sài Gòn
1. Cheo Leo Cafe
Địa chỉ: 109/36, Nguyễn Thiện Thuật, quận 3, TP. Hồ Chí Minh.
Thời gian mở cửa: 5h15 - 18h45.
Mức giá trung bình: 13.000 đồng - 21.000 đồng.
2. Cà phê vợt Phan Đình Phùng
Địa chỉ: 330/2 Phan Đình Phùng, quận Phú Nhuận, TP. Hồ Chí Minh.
Thời gian mở cửa: 5h00 - 21h00.
Mức giá trung bình: 10.000 đồng - 15.000 đồng.
3. Cà phê vợt Ba Lù
Địa chỉ: 193 Phùng Hưng, Phường 14, Quận 5, TP. Hồ Chí Minh.
Thời gian mở cửa: 2h00 - 17h00.
Mức giá trung bình: 10.000 đồng - 15.000 đồng.