Cách làm bánh thuẫn truyền thống mềm xốp chuẩn vị miền Trung
- Huyền Nguyễn
- Đăng lúc: Thứ ba, 15/06/2021 21:27 (GMT +7)
Bánh thuẫn là món bánh truyền thống của người dân miền Trung. Mặc dù cách làm khá dễ nhưng làm sao để bánh vàng ruộm và nở đều thì không phải ai cũng biết.
Cùng với bánh tét, bánh chưng, dưa món... thì bánh thuẫn cũng được xem là món bánh đặc biệt dùng để đãi khách trong những ngày lễ Tết. Từng chiếc bánh thơm nức, vàng ruộm, nở bung như những cánh hoa mai khoe sắc khiến ai cũng phải nhung nhớ. Cách làm bánh cũng khá đơn giản với nguyên liệu chính là bột bình tinh (bột củ dong), bột năng, đường trắng và trứng. Tuy nhiên, để có được mẻ bánh ngon, bạn cần chú ý đến khâu pha và đánh bột sao cho thật chuẩn.
Để nắm vững công thức làm món bánh thuẫn truyền thống - đặc sản của miền Trung, chúng ta cùng xem hướng dẫn chi tiết dưới đây nhé. Chắc chắn chỉ trong vài bước, bạn sẽ làm thành công món bánh ngon để chiêu đãi cả nhà đấy.
1. Nguyên liệu làm bánh thuẫn
- Bột bình tinh (bột củ dong): 100gr
- Bột năng: 100gr
- Trứng gà cỡ lớn (hoặc trứng vịt): 3 quả
- Đường trắng: 300gr
- Vani: 1/2 thìa cà phê
- Bột nở: 1/4 thìa cà phê
2. Cách làm bánh thuẫn của người miền Trung
Bước 1: Trộn bột bánh
- Đập 3 quả trứng vào một bát lớn, đánh đều cho tan rồi từ từ cho 300gr đường trắng vào.
- Đánh cho tan hết đường và trứng. Sau đó cho vani, bột bình tinh và bột năng vào đánh đến khi bột mịn, vàng đều, có mùi thơm là được.
Bước 2: Nướng bánh
- Tiếp theo, chuẩn bị khuôn nướng bánh. Bánh thuẫn truyền thống phải được nướng trên bếp than củi, cho vào viên than lên trên nắp để khuôn bánh nóng đều hai mặt.
- Phết một lớp bơ hoặc dầu ăn mỏng vào khuôn để bánh không bị dính.
- Múc hỗn hợp bột để vào các khuôn bánh. Không nên đổ hỗn hợp quá nhiều, chỉ cần ngang với mép khuôn là được.
- Sau đó đậy nắp lại và gắp than để lên trên cho bánh chín đều hai mặt.
- Bánh được nướng trong vòng 4-5 phút là chín. Bạn có thể kiểm tra bằng cách dùng tăm chọc xuyên qua bánh, nếu không thấy dính bột tức lá bánh đã chín. Tiếp tục làm lần lượt cho đến khi hết nguyên liệu.
Bước 3: Hong khô bánh
- Bánh thuẫn sau khi chín nên được xếp lên nong tre rồi hong khô bằng lửa nhỏ hoặc bếp tro nóng đến khi vỏ bánh khô giòn. Cách làm này sẽ giúp bánh săn lại, ngon hơn và không bị mốc.
- Sau đó, bạn có thể bảo quản bánh bằng cách gói trong túi nilong kín và để nơi khô ráo, thoáng mát.
3. Lưu ý khi làm bánh thuẫn
- Nếu không kiếm được bột bình tinh, bột năng thì có thể thay bằng bột mì số 8. Tuy nhiên, thành phẩm sẽ đặc giống bánh bông lan chứ không mềm xốp như bánh thuẫn truyền thống.
- Bạn có thể sử dụng trứng vịt thay cho trứng gà trong công thức đều được nhưng trứng gà sẽ cho thành phẩm có mùi thơm hơn.
- Trong công đoạn trộn bột bánh, nên trộn nhẹ tay và đi theo một chiều để bánh không bị chai cứng khi nướng.
- Nếu muốn bánh có màu sắc bắt mắt, bạn có thể thêm một chút màu thực phẩm vào hỗn hợp khi trộn bột.
- Để bánh không có mùi tanh của trứng thì khi không nên bỏ qua bước cho vani vào hỗn hợp.
- Trong trường hợp không có khuôn bánh thuẫn và bếp than thì có thể sử dụng khuôn bánh loại nhỏ, nướng ở lò nướng tại nhiệt độ 250 độ C. Khi bánh nở thì giảm xuống 100 độ C.
Vậy là với vài bước đơn giản, bạn sẽ có ngay món bánh thuẫn ngon lành để chiêu đãi cả gia đình. Nếu không có điều kiện nướng bánh bằng than, bạn hoàn toàn có thể sử dụng lò nướng hoặc hấp bánh bằng nồi cơm điện. Thành phẩm cũng nở bông xốp, thơm mềm chẳng khác gì món bánh thuẫn truyền thống được nướng bằng than củi đâu nhé. Chúc các bạn thành công!