Bánh thuẫn, hay còn được gọi là bánh thửng là món ăn truyền thống của người dân miền Trung, đặc biệt là xứ Quảng. Vào những ngày lễ Tết chắc chắn không thể thiếu món bánh thuẫn trên bàn thờ gia tiên cùng với chả ram, bánh ít và rượu bàu đá. Thậm chí, nhiều người còn cho rằng, nếu thiếu bánh thuẫn thì hương vị những ngày lễ Tết sẽ chẳng còn được đậm đà.
Bánh thuẫn bột đặc, khá ngọt so với bánh bông lan hiện đại tất nhiên là cứng hơn, tuy nhiên vì nguyên liệu và cách làm đơn giản nên bánh thuẫn bảo quản được lâu hơn và chịu được thời tiết nóng bức của miền Trung.
Trước kia, bánh thuẫn được coi là món ăn của con nhà nghèo bởi được làm từ nguyên liệu đơn giản, gồm bột năng, bột làm bánh, trứng, đường trắng - tương tự như bánh bông lan rồi được đổ trong khuôn gang hoặc đồng. Khi bánh chín sẽ nở phồng thành những cánh hoa mai với màu vàng ươm đẹp mắt.
Để làm được mẻ bánh ngon, người làm bánh phải chuẩn bị khá công phu từ khâu nguyên liệu. Loại bột làm bánh thuẫn phải là bột từ củ bình tinh (củ dong), chọn loại trắng như sữa, sờ vào mát mịn thì khi đổ bột mới dễ kết dính. Sau đó cho trứng gà vào tô, đánh thật bông rồi cho đường vào từ từ. Cuối cùng là cho bột bình tinh và một chút vani vào khuấy đều theo một chiều đến khi hỗn hợp nổi bọt thì lúc đổ bánh mới ngon.
Khuôn bánh thuẫn được làm bằng đồng hoặc bằng gang, tùy theo kích cỡ khuôn mà số lượng ô bánh dao động từ 8 cho đến 16 ô. Sau khi làm nóng khuôn, người ta quết một lớp dầu ăn rồi múc bột đổ đầy các ô bánh sao cho ngang mép khuôn rồi đậy chín.
Bánh thuẫn ngon nhất phải dùng than củi nướng mới đúng hương vị đặc trưng. Khi than đỏ thì gắp lên phía trên nắp khuôn, giúp khuôn nóng và bánh chín đều hơn. Sau 4-5 phút có thể dùng tăm xiên vào bánh, nhấc ra không thấy bột dính vào tăm là được. Sau khi đổ xong hết các mẻ bánh, bánh thuẫn được xếp lên nong và đem hong khô trên bếp lửa nhỏ để bánh săn lại, ngon hơn và không bị mốc.
Bánh thuẫn nhìn có vẻ khô, bứ nhưng thực ra rất dễ ăn bởi vừa thơm, vừa ngọt, đặc biệt không hề tanh mùi trứng. Món bánh này không chỉ gắn với tuổi thơ của người miền Trung mà đến bây giờ, nó vẫn là món bánh phổ biển vào dịp Tết của nhiều tỉnh Nam Trung Bộ. Thậm chí hiện tại bánh thuẫn còn có nhiều biến tấu về hương vị hơn với vị lá dứa hay các nguyên liệu khác.
Trong không khí thanh bình, ngồi thưởng thức chiếc bánh thuẫn bên những tách trà ấm nóng thì không còn gì hạnh phúc bằng. Và dù ngày nay, những đứa trẻ năm xưa đều đã lớn nhưng tin chắc bánh thuẫn vẫn là một trong những ký ức đẹp đẽ chẳng thể nào quên.
Bình luận