Có thể dùng giấy tờ nào thay thế trong lúc chờ cấp thẻ CCCD gắn chip
- Kelly Tran
- Đăng lúc: Chủ nhật, 23/05/2021 17:10 (GMT +7)
Vì số người đến làm thẻ căn cước công dân gắn chip quá đông nên không tránh khỏi có sự chậm trễ trong việc trả kết quả.
Theo báo Đời Sống Và Pháp Luật, Thông tư 40/2019 của Bộ Công an đã có quy định khi mọi người đến làm thẻ căn cước công dân có gắn chip sẽ không bị cắt góc chứng minh nhân dân cũ ngay tại nơi làm thẻ nữa. Thay vào đó, khi nào được nhận căn cước công dân mới, cán bộ làm việc mới thực hiện cắt góc.
Trong trường hợp công dân yêu cầu trả thẻ qua đường chuyển phát nhanh đến địa chỉ theo yêu cầu thì cơ quan quản lý căn cước công dân nơi tiếp nhận hồ sơ sẽ tiến hành cắt góc và trả chứng minh nhân dân đã cắt góc ngay sau khi tiếp nhận hồ sơ của công dân.
Như vậy, trong trường căn cước công dân gắn chip mới bị trả chậm, mọi người có thể yêu cầu nhận thẻ tận nơi để chứng minh nhân dân cũ chưa bị cắt góc và vẫn có thể tiếp tục sử dụng trong lúc chờ.
Đối với người đang sử dụng thẻ căn cước công dân mã vạch thì trong trường hợp phải đổi thẻ, cán bộ quản lý sẽ thu hồi lại thẻ căn cước công dân đã sử dụng theo Điều 24 luật Căn cước công dân. Tương tự với chứng minh nhân dân, căn cước công dân mã vạch sẽ được thu hồi khi cư dân đã nhận được thẻ căn cước gắn chip hoặc thu hồi ngay nếu chọn cách nhận thẻ mới qua đường bưu điện.
Vì vậy mà người đổi căn cước công dân mã vạch sang căn cước công dân gắn chip cũng có thể chọn lấy thẻ mới trực tiếp tại nơi làm để tiếp tục được sử dụng thẻ cũ trong quá trình đợi.
Ngoài ra, người dân cũng có thể sử dụng hộ chiếu thay cho căn cước công dân trong thời gian chờ cấp vì trên đó đã có sẵn số thẻ rồi. Mọi người cũng có thể trình bày với cán bộ công an để được ưu tiên cấp căn cước công dân sớm hơn trong trường hợp đặc biệt.
Có một vấn đề rất nhiều người thắc mắc rằng thẻ căn cước công dân có gắn chip, nếu bị người khác quét mã QR liệu có lộ thông tin cá nhân hay không. Câu trả lời là những thông tin quét được mã QR bằng các thiết bị thông thường như điện thoại thông minh đều không mang tính bảo mật cao, ví dụ họ tên, ngày tháng năm sinh, giới tính.
Còn các thông tin về nhân thân như dấu vân tay, võng mạc, hình ảnh, đặc điểm nhận dạng hay sau này sẽ tích hợp thêm bằng lái xe, bảo hiểm y tế… thì phải quét tại vùng máy đọc MRZ ở mặt sau của thẻ. Song chỉ có những cơ quan chức năng mới trang bị đầu đọc chip chuyên dụng để trích xuất các thông tin này mà thôi.
Vì vậy, mọi người có thể hoàn toàn yên tâm nếu như bị mất thẻ căn cước công dân có gắn chip thì người nhặt được cũng khó đọc được thông tin mà chip trên thẻ đang lưu giữ.