Con trăn ngóc đầu "ngửi ngửi" em bé đang nằm võng vì thu hút bởi mùi sữa mẹ?
- Thanh Lê
- Đăng lúc: Thứ hai, 19/07/2021 22:49 (GMT +7)
Khi chứng kiến cảnh con trăn bò vào nhà người dân rồi ngửi em bé trên võng, ai ai cũng phải sợ hãi và cho rằng do mùi sữa mẹ đã thu hút con vật này.
Mới đây, DailyMail đã dẫn lại một đoạn video trích xuất từ camera an ninh của một gia đình tại Bến Tre vào 10h27 sáng ngày 7/12/2020 khiến nhiều người chứng kiến không khỏi sởn da gà. Theo đó, video này đã ghi lại cảnh một bà mẹ đang đưa võng ru con ngủ thì bất ngờ phát hiện một con trăn đang nằm ngay dưới võng.
Điều đáng nói con trăn lớn này đã âm thầm bò từ cửa vào rồi ngóc đầu lên như đang ngửi mùi từ em bé. Ban đầu người mẹ nằm trên võng ru con nên không để ý xung quanh. Lát sau, khi xuống khỏi và tiếp tục đưa võng cho con thì mới hốt hoảng khi nhìn thấy con trăn đang hướng về con mình. Ngay sau đó, chị đã nhanh chóng bế con rồi chạy qua phòng khác để thoát khỏi con trăn đáng sợ đó.
Dù người mẹ và em bé đã chạy vào trong, nhưng con trăn vẫn nán lại một lúc sau đó mới bò ra ngoài theo hướng mà nó đã vào. Sau khi xem clip nhiều người cho rằng rắn hay trăn đều rất thích mùi trẻ sơ sinh, đặc biệt là mùi sữa mẹ nên loài vật này thường bò vào nhà gia đình có trẻ nhỏ.
Liên quan đến vấn đề này, TS Nguyễn Quảng Trường, viện Sinh thái và Tài nguyên sinh vật khẳng định trên báo Vietnamnet rằng thông tin rắn/trăn thích sữa mẹ nên hay bò vào và cắn em bé là không chính xác. Ông cho rằng, ở nước ta trong tổng số hơn 300 loài rắn thì tất cả đều có khứu giác kém phát triển, không ngửi được mùi. Do đó, nếu nói rằng việc rắn thích mùi sữa mẹ như những lời đồn đại là không có cơ sở khoa học, đồng thời việc trồng các loại cây có tinh dầu (sả, củ kiệu, nén, cây lan tỏi...) để đuổi rắn theo quan niệm dân gian là vô tác dụng vì rắn/trăn không ngửi được mùi.
Bên cạnh đó, các loại rắn và trăn đều có thị lực kém phát triển, nên chúng phải dùng chiếc lưỡi để cảm thụ các phân tử hóa học trong không khí hay thậm chí trên mặt đất, dưới nước và lần theo vị trí con mồi. Nhất là các loài rắn độc như rắn đuôi chuông, copperhead hay cả các loài trăn có bộ phận ở gần mắt - pit hole, giúp chúng “nhìn” thấy con mồi thông qua nhiệt độ của nạn nhân so với môi trường.
Dù vậy, rắn lại có khả năng khứu giác rất nhạy cảm với các chấn động hơn là mùi vị, do đó TS Trường khẳng định việc rắn/trăn thích mùi sữa mẹ và bò vào các gia đình có trẻ con là lời đồn không hề có cơ sở khoa học.