Bài viết đạt IELTS 9.0 của chàng trai người Việt 18 tuổi cách đây 16 năm

Ít ai biết, 16 năm về trước có một nhân vật chỉ mới 18 tuổi đã viết được 1 bài văn bằng tiếng Anh được chấm 9.0 trong kỳ thi lấy chứng chỉ IELTS.

Mới đây, cư dân mạng đang rầm rộ chia sẻ lại một bài văn được cho là đã đạt điểm IELTS 9.0 của một người Việt Nam cách đây 16 năm.

Theo đó, chủ nhân của bài văn là Tiến sĩ Nguyễn Chí Hiếu, anh là gương mặt khá quen thuộc với khán gỉa khi đảm nhận vai trò giám khảo của Trường Teen - một sân chơi hùng biện dành cho học sinh cấp 3 được phát sóng trên VTV7.

Chia sẻ về bài văn viết bằng tiếng Anh đang gây bão trên, thầy Hiếu cho biết bài văn này đúng là nội dung trong bài thi viết lấy chứng chỉ IELTS mà thấy đã làm cách đây 16 năm, khi đó thầy còn đang là học sinh lớp 12.

"Ở cái thời mà lớp 12 mới biết Internet là gì, lần đầu bước ra biển lớn, vác thân đi thi IELTS ở nước Anh, viết lách thế nào mà lại được 9.0.

Hồi đó đi thi, chỉ 'thắp nhang', 'cầu dừa đủ xài' được 7.0 viết thôi là mừng lắm rồi. Vì nộp đơn đại học, yêu cầu tối thiểu mỗi kỹ năng phải 7.0, trong khi vài tháng trước đó ất ơ đi thi, mắc kẹt mỗi món viết, chỉ được… 6.0 viết!", thầy Hiếu viết lên trang cá nhân.

Ngoài ra, thầy cũng chia sẻ thêm sở dĩ giữ được tờ giấy thi này vì khi ấy, theo thói quen, đi thi cái gì là đều về viết lại bài để giữ làm kỷ niệm. Sau đó, thầy Hiếu có chụp ảnh lại cho cô giáo Tiếng Anh của mình xem và cô giữ đến hôm nay.

Bài văn có chủ đề: "Trong thế kỷ 21, sẽ không còn chỗ cho các loài động vật hoang dã và việc bảo tồn các loài động vật hoang dã chỉ là một sự lãng phí thời gian và tài nguyên. Bạn đồng ý / không đồng ý ở mức độ nào?"

Khi đọc bài viết của thầy Hiếu khi ấy, nhiều người cho rằng cách hành văn rất phù hợp lối suy nghĩ của một chàng trai 18 tuổi. Tuy vẫn còn non về tuổi tác lẫn trải nghiệm, nhưng thầy Hiếu vẫn bộc lộ tư duy chín chắn, đi vào thẳng vấn đề. Bên cạnh đó, bài viết cũng rất mạch lạc, lồng ghép được nhiều cụm từ rất hay.

 Nội dung bài viết được lược dịch như sau:

"Trong thế giới hiện đại luôn thay đổi này, vấn đề về động vật hoang dã thực sự gây tranh cãi vì những người ủng hộ mỗi bên đều có quan điểm cực kỳ mạnh mẽ. Về động vật hoang dã, một số người phê phán cho rằng thế kỷ 21 không dành cho động vật hoang dã và bất kỳ nỗ lực nào để bảo vệ chúng sẽ dẫn đến việc lãng phí thời gian và tài nguyên. Tuy nhiên, với những người khác, chẳng hạn như các nhà bảo vệ môi trường hoặc các thành viên Green Peace lại có quan điểm ngược lại. Theo những gì tôi thấy, tôi hoàn toàn ủng hộ quan điểm sau.

Thứ nhất, là những thực thể sống như con người, động vật hoang dã hoàn toàn có quyền được sống bình yên và phát triển phù hợp trong tự nhiên. Bên cạnh đó, chúng được coi là những người bạn thân thiết của chúng ta trong thời kỳ sơ khai của loài người. Ví dụ, chúng đã giúp đỡ chúng ta trong các lĩnh vực như nông nghiệp, giao thông vận tải, v.v. Vì vậy, không ai có quyền tước đoạt cuộc sống bình thường của động vật trong thế kỷ này. Ngoài ra, bất kỳ hành động nào làm tổn hại đến động vật hoang dã sẽ là vi phạm pháp luật và nhân tính, và cần phải bị trừng phạt nghiêm khắc.

 Thứ hai, mọi người đều biết động và thực vật có mối quan hệ tương hỗ quan trọng trong tự nhiên. Nếu không có nơi nào dành riêng cho các loài động vật hoang dã trong thế kỷ này, chắc chắn sớm muộn gì chúng cũng sẽ tuyệt chủng hoàn toàn. Tiếp theo đó, sự cân bằng sinh thái hiện tại sẽ bị phá vỡ, mà đỉnh điểm là sự biến mất hàng loạt của những cánh rừng thường xanh - lá phổi quý giá của Trái đất. Kết quả là chúng ta phải đối mặt với nhiều tai họa khủng khiếp, chẳng hạn như hạn hán kéo dài, lũ lụt trên diện rộng hay những cơn bão nhiệt đới khủng khiếp. Khi đó, không thể đảm bảo rằng con người có thể tiếp tục sống trên Trái đất này, hoặc có thể nó không còn là một hành tinh xanh và yên bình trong vũ trụ.

Cuối cùng nhưng không kém phần quan trọng, thế kỷ 21 chắc chắn là thế kỷ của khoa học và công nghệ, cho phép chúng ta sống tốt hơn và tận hưởng những tiến bộ vượt bậc của khoa học. Tại sao họ không thể gạt qua một bên chút ít số tiền nhỏ để làm một điều gì đó có ý nghĩa như bảo tồn động vật hoang dã? Vì vậy, tôi tin tưởng mạnh mẽ rằng việc bảo tồn các loài động vật hoang dã trong thời đại kinh tế phát triển như hiện nay sẽ không bao giờ đồng nghĩa với việc lãng phí thời gian và tài nguyên của chúng ta.

Tóm lại, tôi muốn nhấn mạnh rằng việc bảo vệ động vật hoang dã một cách hợp lý, mọi lúc mọi nơi là điều không thể thiếu. Hơn nữa, các biện pháp khả thi để đạt được mục tiêu đó cần được xem xét nhiều hơn. Nếu vậy, cuộc sống tốt đẹp hơn, tôi hy vọng là không có chút nghi ngờ nào đang chờ đợi cả động vật hoang dã và con người trong một tương lai không xa".

Được biết, thầy Nguyễn Chí Hiếu có bằng Tiến sĩ Kinh tế học tại Đại học Stanford, bằng MBA tại Đại học Oxford và bằng cử nhân ngành Kinh tế và Khoa học Chính trị tại Học viện Kinh tế và Chính trị London (LSE). Với năng lực học tập "con nhà người ta, từ thời sinh viên, thầy đã giành được rất nhiều giải thưởng, danh hiệu lớn nhỏ như top 100 sinh viên xuất sắc nhất thế giới (2006), tốt nghiệp thủ khoa LSE, thủ khoa MBA Đại học Oxford, 5 lần đạt giải thưởng dành cho giảng viên và trợ giảng xuất sắc của Đại học Stanford…

Thầy từng có thời gian làm việc cho các tổ chức tài chính quốc tế như Barclays Capital, Goldman Sachs, HSBC, IMF,… Sau này, bước rẽ lớn nhất của thầy Nguyễn Chí Hiếu là phát triển bản thân thành một chuyên gia giáo dục. Đồng thời là diễn giả, thường xuyên chia sẻ các vấn đề về giáo dục trên truyền hình báo chí... Bên cạnh đó, thầy cũng là tác giả và dịch giả cho nhiều đầu sách về các chủ đề giáo dục đa dạng.

Bài liên quan

News feed